Thủ lĩnh đảo chính Niger bất ngờ 'xuống nước', đồng ý đàm phán với ECOWAS
Sau những biểu hiện bất hợp tác, lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger đã bất ngờ đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh khối Tây Phi ECOWAS để giải quyết khủng hoảng chính trị ở quốc gia Tây Phi vốn đang trên bờ vực bùng phát xung đột.
Hôm 13/8, ông Sheikh Abdullahi Bala Lau, người dẫn đầu phái đoàn đàm phán của Nigeria, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), đã đưa ra thông báo cho biết, một ngày trước đó, phái đoàn của ông đã có cuộc đàm phán kéo dài vài giờ với tướng Abdourahamane Tchiani, lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger.
Thông báo nói, tướng Tchiani đã đồng ý tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh đạo ECOWAS để giải quyết khủng hoảng chính trị ở Niger vốn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột khu vực.
Các bên hiện đang cân nhắc một địa điểm cho các cuộc gặp, tại Niger, Nigeria hay một nơi nào đó khả dĩ hơn. Và, việc này sẽ được ấn định trong vài ngày tới.
“Chúng tôi muốn tạo ra một đường hướng mà các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính quân sự ở Niger sẽ có một cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo ECOWAS để ‘hiểu nhau’ và để hòa bình sẽ tiếp tục duy trì trong khu vực của chúng tôi.”, ông Lau nói.
Thông báo của ông Lau cho biết, trong cuộc gặp, tướng Tchiani nhấn mạnh mối quan hệ lịch sử giữa Niger và Nigeria, nói rằng, hai nước là anh em láng giềng và vì vậy nên giải quyết các vấn đề một cách thân thiện.
Tướng Tchiani tuyên bố, cuộc đảo chính của họ có chủ đích tốt; bày tỏ “đau đớn” khi ECOWAS đưa ra tối hậu thư yêu cầu phục chức cho Tổng thống Bazoum mà không thấu hiểu góc cạnh của vấn đề.
Cuộc đàm phán diễn ra khi ECOWAS ráo riết các bước đi nhằm khôi phục chế độ dân sự ở Niger, bao gồm cả khả năng can thiệp quân sự, sau khi Tổng thống bầu cử dân chủ ở nước này, Mohamed Bazoum, bị phế truất vào ngày 26/7, cuộc đảo chính thứ 7 ở Tây và Trung Phi trong ba năm qua.
Diễn biến cho thấy khối Tây Phi vẫn đang nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hòa bình, trong khi vẫn cảnh báo và chuẩn bị tư thế can thiệp quân sự như một phương sách cuối cùng.
Không có bình luận lập tức từ các nhà lãnh đạo chính quyền quân sự Niger về cuộc gặp, nhưng những phát biểu của tướng Tchiani được trích dẫn là một dấu hiệu cho thấy ông đã sẵn sàng đàm phán.
Trước đó nhóm này đã thẳng thừng từ chối các nỗ lực ngoại giao của ECOWAS, Mỹ và các nước khác, gây lo ngại về nguy cơ bùng phát xung đột ở khu vực Sahel của Tây Phi, nơi các nhóm vũ trang có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang gia tăng ảnh hưởng trong những năm gần đây.
Hồi tuần trước, với thái độ bất hợp tác của chính quyền quân sự ở Niger, nơi có khoảng 2.500 binh sĩ Mỹ và Pháp đồn trú, ECOWAS với sự hậu thuẫn của Phương Tây, dọa dùng vũ lực, đồng thời 'lên giây cót’ triển khai một lực lượng quân sự tới quốc gia Tây Phi như một phương sách cuối cùng nếu các nỗ lực ngoại giao thất bại.
Trong khi Mali, Burkina Faso, Guinea và Angeria tuyên bố ủng hộ chính quyền quân sự mới ở Niger.
Hai nước láng giềng Burkina Faso và Mali đã sớm đưa ra tuyên bố, nói, bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào từ bên ngoài vào Niger sẽ được coi là một hành động chiến tranh chống lại họ.
Hiện tại, ECOWAS đang theo đuổi các nỗ lực cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Ngày 13/8, hội đồng ECOWAS cho biết họ sẽ yêu cầu ông Bola Tinubu, Chủ tịch luân phiên của khối đồng thời là Tổng thống Nigeria, đến Niger, để xúc tiến cuộc đàm phán.
Cuộc đảo chính ngày 26/7 ở Niger được coi là một đòn giáng mạnh đối với nhiều quốc gia phương Tây vốn coi Niamey là một đối tác quan trọng ở khu vực Sahel của Tây Phi trong nỗ lực chống lại các nhóm khủng bố.