Thu ngân sách 6 tháng đầu năm: Thành công từ cải cách đồng bộ và chuyển đổi số
Để đạt kết quả trên, Cục Thuế cho biết đã triển khai hoạt động cải cách toàn diện, đồng bộ trên mọi mặt công tác, mục tiêu cốt lõi 'thu đúng, thu đủ, thu kịp thời' trên nền tảng công bằng, minh bạch.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành Thuế. (Ảnh: Vietnam+)
Ngày 10/7, tại Hội nghị sơ kết công tác thuế, Cục Thuế công bố kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.180.967 tỷ đồng, bằng 68,7% dự toán pháp lệnh và tăng 38,1% so với cùng kỳ.
Trong cảnh kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều biến động, ngành Thuế đã về đích nửa chặng đường năm 2025 với những kết quả tích cực.
Lấy người nộp thuế làm trung tâm
Theo đại diện Cục Thuế, kết quả này được đóng góp bởi sự tăng trưởng đồng đều ở hầu hết các lĩnh vực. Cụ thể, 16/19 khoản thu, sắc thuế đều tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, thu từ hoạt động thương mại điện tử và kinh tế số đạt 98 nghìn tỷ đồng, tăng 58%, cho thấy hiệu quả của việc siết chặt quản lý, chống thất thu trong lĩnh vực mới và đầy tiềm năng này.
Trên bình diện địa phương, 31/34 tỉnh, thành phố có tiến độ thu đạt khá (trên 55% dự toán), và có tới 33/34 địa phương ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ. Những địa phương dẫn đầu như Hưng Yên, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Hà Nội, Hải Phòng... đã đóng góp quan trọng vào thành công chung.
Để đạt được những kết quả trên, Cục Thuế cho biết đã triển khai một chiến lược cải cách toàn diện, đồng bộ trên mọi mặt công tác, với mục tiêu cốt lõi là "thu đúng, thu đủ, thu kịp thời" trên nền tảng công bằng, minh bạch.
Công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Thay vì các phương thức truyền thống, ngành Thuế chia sẻ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tạo ra một kênh tương tác hiện đại, hiệu quả. Việc triển khai hóa đơn điện tử, hoàn thuế tự động, công khai danh sách cán bộ hỗ trợ... đã xây dựng một nền hành chính công khai.
Công tác kê khai và hoàn thuế được xem là điểm sáng trong hoạt động cải cách với 99,4% doanh nghiệp đã tham gia khai thuế điện tử. Đặc biệt, Quyết định 108/QĐ-TCT về quy trình hoàn thuế tự động đã tạo ra một cuộc cách mạng. Trong 6 tháng, đã có 269.941 hồ sơ được hoàn thuế tự động với tổng số tiền 1.253 tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước cũng đã nhanh chóng chi hoàn 1.147 tỷ đồng, chiếm 92% số lệnh hoàn được chuyển sang.
Song song với việc hỗ trợ, ngành Thuế cũng siết chặt kỷ cương, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm. Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện 26.290 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 109,2% so với cùng kỳ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý lên đến 28.430 tỷ đồng, tăng 32%. Các chuyên đề chống gian lận hóa đơn, chuyển giá, thương mại điện tử xuyên biên giới được triển khai quyết liệt, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh.

Ngành Thuế thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.180.967 tỷ đồng, bằng 68,7% dự toán pháp lệnh và tăng 38,1% so với cùng kỳ. (Ảnh: Vietnam+)
Công tác quản lý nợ thuế cũng được đổi mới toàn diện. Hệ thống cưỡng chế nợ thuế điện tử đã giúp thu hồi 43.109 tỷ đồng. Việc kết nối trực tiếp với Bộ Công an và các ngân hàng thương mại để phong tỏa tài khoản, tạm hoãn xuất cảnh đã nâng cao đáng kể tính răn đe và hiệu quả thu hồi nợ.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thuế là thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh từ phương pháp khoán sang kê khai, đảm bảo nguyên tắc “tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm.” Đây là một bước cải cách căn bản, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế, cơ sở dữ liệu và công nghệ.
Tăng nhiệm vụ thu ngân sách
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành. Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra nhiệm vụ đặt ra ngành trong 6 tháng cuối năm là hết sức nặng nề. Nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ tăng thu 15% trong năm 2025. Tuy nhiên, tại Công điện số 104/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 6/7), Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phải phấn đấu tăng thu trên 20%. Để đạt được mục tiêu này, thu nội địa phải tăng cao hơn con số 20%, vì thu từ xuất nhập khẩu có thể sẽ thấp hơn. Thực tế cũng cho thấy, thu ngân sách bình quân chung cả nước tăng 28,3%, thì riêng ngành Thuế đã tăng trưởng đến 38,1%. Tỷ lệ hoàn thành so với dự toán của ngành Thuế cũng cao hơn mức bình quân chung, đây chính là cơ sở để toàn ngành phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ đạo của Chính phủ.
“Để đạt mục tiêu trên, ngành Thuế cần có các giải pháp phù hợp trong bối cảnh thế giới thì vẫn còn đang rất phức tạp, xung đột ở khu vực và ở nhiều nơi, nguy cơ chiến tranh thương mại từ các chính sách thuế quan,” ông Tuấn nói.
Để đạt được các mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra các giải pháp trọng tâm cho ngành thuế trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung xây dựng thể chế, cụ thể là hoàn thiện dự án Luật Quản lý Thuế (sửa đổi), Luật Thuế thu nhập cá nhân và các nghị định liên quan, đặc biệt là các quy định về đất đai.
Bên cạnh đó, ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, cụ thể là tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cao, không để thất thu ngân sách.
Về việc vận hành hiệu quả bộ máy mới, Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu ngành Thuế phải phát huy tối đa hiệu quả của mô hình tổ chức tinh gọn, đảm bảo sự chỉ đạo thông suốt từ trung ương đến địa phương./.