Các ngân hàng 'chịu chi' cho số hóa

Năm 2024, riêng nhóm ngân hàng niêm yết đã đầu tư tới 32.437 tỷ đồng cho chuyển đổi số.

Nam A Bank triển khai chiến lược số hóa toàn diện qua các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật số cao như Robot OPBA, Open Banking, ONEBANK.

Nam A Bank triển khai chiến lược số hóa toàn diện qua các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật số cao như Robot OPBA, Open Banking, ONEBANK.

Những khoản đầu tư hàng nghìn tỷ

Năm 2024, ngành ngân hàng chứng kiến làn sóng đầu tư nền tảng kỹ thuật số lan rộng toàn hệ thống khi chi phí đầu tư công nghệ của các ngân hàng niêm yết đều tăng mạnh, đạt 32.437 tỷ đồng, so với mức 26.687 tỷ đồng trong năm 2023. Tuy nhiên, mức đầu tư công nghệ có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngân hàng.

Trong nhóm ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chi phối, BIDV có mức tăng trưởng đầu tư giải pháp số mạnh nhất, đạt 3.168 tỷ đồng, tăng 1,5 lần chỉ sau 3 năm.

Ngân hàng này phát triển nền tảng BIDV Smart Banking, kết hợp hợp tác với các công ty Fintech và ứng dụng công nghệ mở, triển khai Open API và đặc biệt là tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng dẫn và cung cấp dịch vụ theo thời gian thực cho khách hàng.

BIDV hiện đang phục vụ hơn 22 triệu khách hàng cá nhân và trên 500.000 khách hàng tổ chức, kết nối với hơn 2.000 nhà cung cấp dịch vụ tài chính trong và ngoài nước. Các sản phẩm và giải pháp mà BIDV đang triển khai được phát triển theo hướng cá nhân hóa hành trình người dùng, đồng thời ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục, nâng cao trải nghiệm, đồng thời đảm bảo an toàn, chính xác và hiệu quả.

Tại VietinBank và Vietcombank, đầu tư cho chuyển đổi số trong năm 2024 lần lượt đạt 2.767 tỷ đồng và 2.479 tỷ đồng, duy trì đà tăng trưởng liên tục trong các năm gần đây.

Vietcombank tập trung cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn, tạo ra các giải pháp tư vấn và hỗ trợ linh hoạt. Trong khi đó, VietinBank đẩy mạnh các nền tảng số như Chatbot và Cổng thông tin khách hàng, nhằm nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng 24/7 và giảm phụ thuộc vào nguồn lực con người.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho hay, thời gian qua, Ngân hàng tích cực đầu tư cho hạ tầng, kỹ thuật công nghệ và an toàn bảo mật. Theo ông Phát, mỗi năm, ACB đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao dịch, hệ thống lõi.

Không chỉ đầu tư cho ngân hàng mẹ, năm qua, ACB cũng chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến cho công ty chứng khoán trực thuộc (ACBS). Sắp tới, ACB sẽ đầu tư công nghệ cho ngân hàng số.

“Ngân hàng chúng tôi đã nghiên cứu và triển khai AI để nâng cao hiệu quả, hiệu suất hoạt động. Song song đó, ACB cũng áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động, nhằm nâng cao quản trị, kiểm soát rủi ro”, ông Phát nói.

Techcombank đã hợp tác với nhiều đối tác công nghệ, trong đó có các tên tuổi hàng đầu thế giới như Visa hay Amazon Web Services (AWS). Visa có thể xem là một trong những công ty Fintech lớn nhất toàn cầu và Techombank là đối tác chiến lược của họ tại Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đang làm việc với các nhóm phát triển công nghệ tại châu Âu và hợp tác sâu với One Mount để triển khai mảng Blockchain tại Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Mục tiêu là đưa công nghệ mới vào hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng, từ thanh toán đến bảo hiểm”, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techombank cho biết.

Techcombank đã đầu tư hơn 500 triệu USD cho công nghệ trong 5 năm qua và con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Tất cả các quy trình nội bộ của Ngân hàng đều đã được số hóa hoàn toàn.

Mới đây, Techcombank triển khai 19 chi nhánh theo định dạng mới, không có giấy tờ, không lưu trữ hồ sơ vật lý - tất cả đều số hóa. Bước tiếp theo là tích hợp AI vào toàn bộ trải nghiệm khách hàng, từ ứng dụng ngân hàng cho tới nhân viên tư vấn. Dữ liệu sẽ được phân tích sâu để đưa ra các khuyến nghị phù hợp với từng khách hàng.

Cạnh tranh bằng hệ sinh thái dựa trên nền tảng số

CEO Techcombank cũng cho hay, Ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng ra các phân khúc khách hàng mới và tích hợp sâu hơn vào nhu cầu thực tế của khách hàng, thông qua các đối tác lớn, chứ không chỉ Fintech.

Trong đó, mảng kinh doanh bảo hiểm đã bắt đầu phát triển rõ nét - hiện Techombank có sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ từ liên kết với công ty bảo hiểm và tài chính tiêu dùng, bao gồm bảo hiểm nhà, ô tô, an ninh mạng... Trong mảng bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng đang chờ hoàn tất các quy trình cấp phép từ Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày.

Nhờ mô hình này, Techombank đã có thể quay trở lại mảng tín dụng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn từng nhiều lần thử nghiệm nhưng không hiệu quả do chi phí vận hành quá cao. Mức tăng trưởng cho vay trong mảng thương nhân lên tới 700% trong một năm vừa qua, theo CEO Jens Lottner, là minh chứng cho thấy Techcombank đã đi đúng hướng.

Sacombank ghi dấu ấn trong ngành với mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng công nghệ hơn 2.300 tỷ đồng trong năm qua. Hiện nhà băng này đang phục vụ gần 19 triệu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, trong đó 67% đã hoạt động trên kênh số.

TPBank, ngân hàng có quy mô nhỏ cũng “chịu chi” cho chuyển đổi số, với việc dành ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng cho các dự án liên quan trong năm 2024. Theo đó, TPBank đã triển khai mạnh các công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn và AI trong mọi hoạt động.

Nam A Bank cũng không đứng ngoài cuộc, với chiến lược số hóa toàn diện qua các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật số cao như Robot OPBA, Open Banking, ONEBANK. Tỷ lệ giao dịch online tại Nam A Bank hiện chiếm trên 95% tổng giao dịch chuyển khoản và thanh toán.

Điểm tích cực là các ngân hàng vừa, nhỏ là chủ động chọn lọc công nghệ phù hợp, từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường không ngừng thay đổi.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho hay, với sự đầu tư rất sớm và bài bản trong hoạt động chuyển đổi số, OCB có các sản phẩm tài chính ưu việt, được “may đo” theo nhu cầu của từng phân khúc khách hàng như OCB OMNI, ngân hàng số dành cho giới trẻ Liobank, đặc biệt là nền tảng OCB Smart Merchant - Giải pháp quản lý bán hàng, thanh toán thông minh toàn diện, được thiết kế dành riêng cho các nhà bán hàng (Merchant), nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Đặc biệt, OCB còn có các sản phẩm dành cho doanh nghiệp thông qua Open API (giao diện lập trình ứng dụng mở) mang đến một hệ sinh thái tài chính toàn diện… Ngoài ra, OCB còn cung cấp bộ thiết bị thanh toán đa dạng và hiện đại như POSM QRcode, QR POS, Smart POS, POS..., đặc biệt là thiết bị thanh toán QR Soundbox thông báo ngay lập tức khi giao dịch thành công, gồm số tiền và phương thức thanh toán, phù hợp với cả cửa hàng nhỏ và chuỗi bán lẻ quy mô lớn…

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, thời gian qua hạ tầng công nghệ được các ngân hàng đầu tư và phát triển mạnh mẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tuy nhiên, để có thể tiếp tục phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường thì việc đổi mới hạ tầng công nghệ trở thành một yếu tố then chốt. Các ngân hàng đã, đang và tiếp tục không ngừng nỗ lực để thích ứng với những thay đổi đó. Trong tương lai gần, có thể kỳ vọng sẽ thấy nhiều dịch vụ ngân hàng mới lạ và tiện ích hơn nữa xuất hiện.

Thực tế, hiện đã có gần 87% người Việt trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Các ngân hàng liên tục mở rộng hệ sinh thái số giúp xây dựng nền kinh tế số, xã hội không tiền mặt. Hiện giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng đến hệ sinh thái số liên thông, kết nối với các ngành kinh tế khác, tạo động lực cho phát triển kinh tế số.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian qua, cơ quan này không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng. Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển.

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 820.000 tỷ đồng mỗi ngày, trong khi hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý 26 triệu giao dịch mỗi ngày.

Hạ tầng thông tin tín dụng quốc gia nâng cấp để gia tăng khả năng xử lý, cập nhật dữ liệu tự động, đồng thời mở rộng thu thập, cập nhật dữ liệu trong và ngoài ngành với tỷ lệ cập nhật số liệu thành công từ tổ chức tín dụng đạt mức cao trên 98%.

Bảo Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/cac-ngan-hang-chiu-chi-cho-so-hoa-post372768.html