Thu ngân sách năm 2022 ước vượt 202 nghìn tỷ đồng

Thu ngân sách nhà nước cả năm 2022 ước đạt 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán, tương đương vượt dự toán khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng.

Thu nội địa chiếm 80,1% tổng thu

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch năm 2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Ủy ban Kinh tế cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm nay ước đạt 1.327,3 nghìn tỷ đồng, bằng 94% dự toán. Mặc dù nhiều chính sách miễn giảm thuế được thực thi, ước cả năm thu ngân sách đạt khoảng 1.614,1 nghìn tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán và tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021.

Kết quả này giúp bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán, đồng thời tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Trong đó, thu nội địa 9 tháng đạt 88,9% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ; ước cả năm đạt 1.292,3 nghìn tỷ đồng, vượt 115,6 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8%) so với dự toán, chiếm 80,1% tổng thu ngân sách nhà nước.

Thu từ dầu thô 9 tháng đạt 213% dự toán (giá dầu bình quân khoảng 107,05 USD/thùng, tăng 47,05 USD/thùng so dự toán), tăng 103,5%; ước cả năm đạt khoảng 68 nghìn tỷ đồng, vượt 39,8 nghìn tỷ đồng, tăng 141,1% so với dự toán, chiếm 4,2% tổng thu ngân sách nhà nước.

Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2021; ước cả năm đạt 420 nghìn tỷ đồng, sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng khoảng 174 nghìn tỷ đồng, thu cân đối đạt khoảng 246 nghìn tỷ đồng, vượt 47 nghìn tỷ đồng, tăng 23,6% so với dự toán, chiếm 15,2% tổng thu ngân sách nhà nước.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 1.086,3 nghìn tỷ đồng, bằng 60,9% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 253,148 nghìn tỷ đồng, bằng 48,1% dự toán; chi trả nợ lãi ước đạt 72,5 nghìn tỷ đồng, bằng 70% dự toán; chi thường xuyên ước đạt gần 758,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán.

Cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá công tác lập dự toán
Nguồn: ITN

Có nên “quá thận trọng” khi lập dự toán?

Bình luận việc thu ngân sách có thể vượt tới 14,3% so với dự toán, các chuyên gia cho rằng, trước nguy cơ sụt giảm nguồn thu, ngân sách năm nay được lập dự toán với sự thận trọng. Sự phục hồi kinh tế, đặc biệt tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 8% trong năm nay, hỗ trợ tích cực cho công tác thu ngân sách.

Năm 2023, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước đạt 1.612,96 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7% GDP, riêng huy động từ thuế và phí đạt 13,3% GDP. Dự toán chi ngân sách đạt 2.073,46 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 33,6%.

Có thể thấy, dự toán thu ngân sách năm tới tương đương với ước thực hiện của cả năm 2022. Điều này cho thấy tinh thần thận trọng trong lập dự toán ngân sách tiếp tục được duy trì.

“Vấn đề dự báo thu và chi ngân sách vẫn luôn là thách thức. Việc dự báo thận trọng là cần thiết song quá thận trọng có thể khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian tài khóa của mình”, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính bình luận.

TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, có thể xem xét việc dự toán tăng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2025 khi kinh tế phục hồi và các biện pháp hỗ trợ về thuế hết hiệu lực. Theo ước tính của chuyên gia này, số thu ngân sách nhà nước hàng năm giai đoạn 2023 - 2024 có thể cao hơn 2 - 4 % so với số dự toán thu ngân sách trong kế hoạch tài chính - ngân sách 2022 - 2024.

Trong trung hạn 2023 - 2025, “mặc dù dự toán thu và chi cần tiếp tục duy trì nguyên tắc lường thu mà chi, cần có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp”, TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

Trước đó, Thông tư số 47/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành tháng 8.2022 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2023 - 2025 đặt mục tiêu: dự toán thu nội địa năm 2023 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 7 - 9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022 (sau khi loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023 tăng bình quân khoảng 4 - 6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2022.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/thu-ngan-sach-nam-2022-uoc-vuot-202-nghin-ty-dong-i302641/