Thử nghiệm 'sốc' tàu sân bay, Mỹ không ngán 'sát thủ diệt hạm' Trung Quốc?
Theo nhà bình luận quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình, việc tàu sân bay Mỹ USS Gerald R. Ford hoàn tất thử nghiệm chống sốc đã gửi thông điệp rằng Washington không lo lắng về sát thủ tàu sân bay tới Trung Quốc và Nga.
Trong thông cáo báo chí hôm 9-8, Hải quân Mỹ cho biết USS Gerald R. Ford đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm chống sốc sau 3 cuộc nổ bom lớn gần con tàu này. Các cuộc thử nghiệm được thực hiện từ cuối tháng 6 ở ngoài khơi Florida và kết thúc hôm 8-8 với vụ nổ thứ 3 và là vụ nổ thử nghiệm chống sốc cuối cùng. Các quan chức cho biết không có thương vong lớn và ít thiệt hại hơn dự kiến.
Trong các cuộc thử nghiệm, được tổ chức ở Đại Tây Dương, 18 tấn chất nổ (tương đương với một trận động đất 3,9 độ Richter) được kích nổ dưới nước, mỗi lần lại kích nổ gần tàu sân bay hơn. Dữ liệu về tác động lên con tàu đã được thu thập.
Ông Brian Metcalf, người đứng đầu chương trình tàu sân bay tương lai của Hải quân Mỹ, nói với tờ South China Morning Post: "Các cuộc thử nghiệm đã chứng minh con tàu sẽ chịu được những cú chấn động lớn và vẫn hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt".
Nhà bình luận quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình nhận định lý do Mỹ thực hiện vụ thử xung chấn với tàu sân bay không chỉ để thu thập dữ liệu. Lý do khác là đánh tiếng tới Trung Quốc và Nga về sức chịu đựng cực kỳ tốt của tàu sân bay. Sức mạnh 18 tấn thuốc nổ thực hiện cạnh tàu USS Gerald R. Ford lớn hơn nhiều so với tất cả đầu đạn hạt nhân của tên lửa thông thường hay ngư lôi.
Ông Tống cho rằng vụ thử nghiệm đã chứng minh tàu sân bay USS Gerald R. Ford của Mỹ thừa sức chịu đựng trước xung chấn từ thủy lôi hoặc tên lửa tấn công gần đó nhưng chưa cho thấy sức chịu đựng của chiến hạm nếu bị tấn công trực tiếp. Ông Tống nói: "Thực tế, các tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh có thể mang bom xung điện từ tấn công ở tầm cao gây tổn thất lớn cho tàu sân bay, thậm chí triệt hạ hoàn toàn".
Đến nay, Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo chống hạm được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" như DF-21D và DF-26 và được cho là đã đánh trúng mục tiêu đang di chuyển cách xa hàng ngàn km trong 1 vụ thử trên biển Đông tháng 8 năm ngoái.
Nga cũng đang thử tên lửa hành trình chống hạm siêu thanh Zircon, có thể đạt vận tốc tối đa Mach 9, tương đương 11.025 km/giờ. Zircon đã đánh trúng mục tiêu trên mặt đất trong sự kiện vào tháng trước.
Hải quân Mỹ trong những năm gần đây chú trọng duy trì vị thế của mình trước đối thủ có năng lực đóng tàu mạnh mẽ như Trung Quốc. Hải quân Mỹ hồi tháng 6 trình lên quốc hội tài liệu cập nhật về kế hoạch xây dựng hạm đội dài hạn, với mục tiêu sở hữu tối thiểu 321, tối đa 372 chiến hạm có người lái.
Tính đến năm 2020, Hải quân Trung Quốc có 360 tàu chiến còn Hải quân Mỹ chỉ có 297 tàu. Song Mỹ sở hữu nhiều phương tiện lớn với 11 tàu sân bay còn Trung Quốc chỉ có 2; Washington sở hữu 92 tàu khu trục, tàu tuần dương trong khi đối phương chỉ có 33. Ngoài ra, tàu Mỹ có hỏa lực mạnh hơn.