Thư ngỏ của hiệu trưởng trước ngày quy định mới về dạy thêm có hiệu lực
Hiệu trưởng Nguyễn Minh Quý cho rằng chỉ vài ngày tới, thói quen học thêm sẽ phải dừng lại. Dù có hụt hẫng, hoang mang nhưng đây cũng chính là cơ hội để học sinh tìm lại sức mạnh nội tại từ tinh thần tự học.
Thông tư mới về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT đang thu hút sự quan tâm của học sinh, giáo viên và phụ huynh... Trước ngày thông tư 29 có hiệu lực, thấu hiểu những hụt hẫng, hoang mang, thậm chí khó khăn về các thay đổi sắp tới, thầy Nguyễn Minh Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Hải Phòng) đã viết bức thư ngỏ gửi tới thầy trò nhà trường.
Chia sẻ với VietNamNet, thầy Quý cho hay, từ trước đến nay, học sinh đã quá quen với việc thầy cô ôn luyện, củng cố và hướng dẫn qua các giờ dạy thêm. Do đó, việc dừng học thêm tại trường với đại đa số học sinh sẽ gây tâm lý bất an, lo lắng, đặc biệt với các em cuối cấp.
Đối với thầy cô, thay đổi này cũng có nhiều ảnh hưởng. Giờ đây, giáo viên sẽ khó nhọc hơn do học sinh chưa có thói quen tự học. Ngoài ra, các thầy cô cũng khó khăn hơn vì thu nhập sụt giảm đáng kể. “Đây sẽ là một thách thức với thầy cô”, thầy Quý nói.
Tuy nhiên cũng theo vị hiệu trưởng này, giáo dục Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ để tránh tụt hậu và tiến tới bắt kịp với xu thế giáo dục của thế giới.
“Nhiều việc trước đây như dạy thêm, học thêm, tâm lý chuộng bằng cấp... là cố hữu, giờ đã dần chuyển dịch để tiến tới thực chất, hiệu lực và hiệu quả hơn. Do đó, cần phải thay đổi tư duy, đổi mới đồng bộ từ gốc rễ, dẫu mọi đổi mới đều khó khăn, nhất là liên quan đến đời sống thầy cô và việc đỗ đạt của học trò khi thời gian cuối cấp đã cận kề”.
Gửi gắm tới học sinh, trong bức thư, thầy Quý cũng nêu lên vai trò của việc tự học. Khi dừng học thêm, đây cũng là cơ hội để các em làm quen với kỹ năng này. Đó sẽ là nguồn sức mạnh to lớn, giúp học sinh vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai.
VietNamNet xin trích dẫn bức thư của thầy Nguyễn Minh Quý gửi tới giáo viên và học sinh:
Các trò thân mến!
Cuộc đời là một hành trình dài với nhiều thử thách và cơ hội. Trên hành trình ấy, việc học không chỉ đơn thuần là tiếp thu kiến thức mà còn là quá trình rèn luyện bản thân. Thầy cô chính là những người đồng hành tận tâm, truyền lửa tri thức và dìu dắt học sinh trên con đường trưởng thành.
Nhưng những áp lực thi cử, đỗ đạt và kỳ vọng của gia đình đã khiến nhiều bạn phải nhờ thầy cô kèm cặp từ khi còn nhỏ, kết quả học tập cũng dần phụ thuộc vào việc tham gia những buổi học như vậy. Điều này khiến việc tự học không hình thành hoặc nếu có sẽ dần bị lãng quên.
Chỉ trong vài ngày tới, thói quen “học thêm” sẽ phải dừng lại. Chắc chắn có sự hụt hẫng, hoang mang, thậm chí là khó khăn lớn xuất hiện. Tuy nhiên đây cũng chính là cơ hội để các em tìm lại sức mạnh nội tại: tinh thần tự học. Lúc đầu, tự học có thể khó khăn, mệt mỏi và kém hiệu quả. Nhưng làm quen và thuộc dần thì tự học sẽ trở thành một nguồn sức mạnh to lớn, giúp các em vững vàng đối mặt với thử thách và thành công trong tương lai.
Tự học không chỉ là kỹ năng, mà còn là nền tảng để hình thành ba phẩm chất quan trọng:
Thứ nhất, tự tin - Chìa khóa thành công: Trong các giờ học mọi việc đều được thầy cô chuẩn bị chu đáo. Việc học thêm giúp các em đi theo dòng chảy có sẵn một cách thong thả. Nhưng giờ đây, mỗi em phải tự chèo lái con thuyền của mình. Các em hãy tin mình sẽ có được các nguồn học liệu phù hợp, tự mình sẽ hệ thống hóa kiến thức và tìm được lời giải. Hãy tin vào mình sẽ làm được. Đừng sợ thất bại, vì mỗi lần vấp ngã là một bài học quý giá giúp các em trưởng thành hơn.
Thứ hai, tự giác - Ngọn đèn soi sáng con đường học tập: Tự giác là khi các em không cần ai nhắc nhở vẫn chủ động học tập. Đó là khả năng sắp xếp thời gian, tìm tòi kiến thức mới, làm chủ công nghệ để khai thác kiến thức và kiên trì với mục tiêu. Tự giác không chỉ giúp các em học tốt hơn, mà còn rèn luyện tinh thần trách nhiệm - yếu tố quan trọng để thành công trong cuộc sống.
Thứ ba, tự chủ - Bước vững vàng trong thử thách: Tự chủ giúp các em kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc và hành động. Một người biết tự chủ sẽ không bị cuốn theo những ảnh hưởng tiêu cực từ bạn bè hay mạng xã hội. Khi tự học, có thể sẽ buồn ngủ, mệt mỏi, chán nản, nhưng nếu các em biết cách điều chỉnh bản thân, kiên trì với mục tiêu, thành công sẽ đến. Tự chủ sẽ cho chúng ta sự tự lập với ý chí vững vàng. Tự lập cho khả năng giải quyết vấn đề mà không phụ thuộc vào người khác. Nếu trước đây, bài toán khó có thể chờ thầy cô giảng lại trong buổi học thêm, thì giờ đây, các em phải tự tìm cách tháo gỡ. Tự lập giúp các em trưởng thành, vững vàng hơn trên con đường phía trước.
Các em hãy nhớ, dù có khó khăn thế nào, thầy cô vẫn luôn đồng hành, hướng dẫn và giúp đỡ các em khi cần. Nhưng hãy tự tin để vượt qua lo lắng, tự giác và tự chủ để không đánh mất chính mình, và tự lập để ý chí vững vàng. Các em có thể kết nối, giúp nhau trong học tập. Mỗi cá nhân trong một tập thể chung chí hướng, sẽ như được tiếp thêm sức mạnh, các em sẽ cùng vững vàng. Như vậy, khi các em chinh phục được tinh thần tự học, các em sẽ khám phá được sức mạnh vô hạn của bản thân.
Các thầy giáo, cô giáo thân yêu!
Sẽ không dễ dàng khi không dạy thêm. Cuộc sống và công việc chắc chắn sẽ khó nhọc và khó khăn. Khó nhọc vì nhiều học trò của chúng ta chưa có thói quen tự học, cần nhiều thời gian để hình thành. Mà những khi ấy, việc dạy học sẽ trở nên nhọc mệt hơn bao giờ hết. Khó khăn vì thu nhập giáo viên có sự sụt giảm đáng kể. Trước đây, nhiều thầy cô đã tận dụng cả giờ nghỉ, giờ ăn để dạy kèm học sinh, vừa giúp trò tiến bộ, vừa đảm bảo cuộc sống cá nhân. Nay, sự thay đổi này đặt ra thách thức lớn với mỗi thầy cô.
Tôi hiểu rằng dạy học chưa bao giờ là dễ dàng, và dạy thêm càng không đơn giản. Mỗi thầy cô đã thực sự lao động và nhận về những gì xứng đáng - trong đó có sự nhẫn nại, kiên trì, động viên, chăm chút cho học trò mà bản thân từ “dạy thêm” chưa bao giờ nói đủ. Nhưng hôm nay, chúng ta lại tiếp tục là những người làm gương, thể hiện sự thích nghi và quyết tâm. Dù không còn dạy thêm, chúng ta vẫn sẵn sàng giải đáp thắc mắc, hỗ trợ trực tiếp hoặc trực tuyến khi có thể. Chúng ta cũng cần có thêm thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và cơ hội luyện nghề hơn.
Tôi muốn gửi đến các đồng nghiệp của mình sự thấu hiểu và sẻ chia. Chúng ta hãy luôn là một tập thể đoàn kết, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn. Chúng ta không đơn độc trong hành trình này. Hãy cùng nhau vượt qua thách thức, để nghề giáo không chỉ là sự nhẫn nhịn và nhọc nhằn, mà còn là niềm tự hào, sự thanh thản và cao quý.