TP.HCM sẽ hỗ trợ kinh phí đối với thầy cô ôn tập cho học sinh cuối cấp
Mức kinh phí cho các giáo viên ôn tập cho học sinh cuối cấp, bồi dưỡng cho học sinh yếu sẽ phụ thuộc vào điều kiện của từng địa phương.
![Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định thông tư 29 không cấm dạy thêm, nhưng phải đúng quy định. Ảnh: Phương Lâm.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51469149/6177b8de899060ce3981.jpg)
Sở GD&ĐT TP.HCM khẳng định thông tư 29 không cấm dạy thêm, nhưng phải đúng quy định. Ảnh: Phương Lâm.
Đây là thông tin được đề cập trong họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào chiều 13/2.
Không cấm dạy thêm, nhưng phải đúng quy định
Cụ thể, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM, đề cập đến Công văn số 545/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD&ĐT gửi các địa phương về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông, trong đó có nội dung là "tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh có kết quả chưa đạt, học sinh cuối cấp".
Từ nội dung này, ông Minh cho biết sắp tới, TP.HCM sẽ có văn bản chỉ đạo cho các địa phương trên địa bàn về việc triển hai thực hiện công văn của bộ. Đáng chú ý, tùy theo điều kiện, các địa phương có thể sẽ hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên thực hiện ôn tập cho học sinh cuối cấp và bồi dưỡng cho học sinh có kết quả chưa đạt.
Cũng tại họp báo, ông Hồ Tấn Minh khẳng định Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT là một thông tư trả lại sự tôn nghiêm cho ngành giáo dục, giúp việc quản lý dạy và học đi vào nề nếp hơn.
Đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cũng khẳng định thông tư của bộ không cấm dạy thêm, nhưng sẽ đưa hoạt động dạy thêm vào khuôn khổ để quản lý.
Sở ghi nhận trong thời gian qua, nhu cầu học thêm ngày càng lớn, phù hợp với mục tiêu mà TP.HCM hướng đến là học tập suốt đời. Tuy nhiên, sở nhấn mạnh học thêm phải là hoạt động tự nguyện, với mục đích giúp bản thân phát triển hơn.
"Sắp tới, sở sẽ có văn bản gửi đến thành phố để quản lý công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Dạy thêm ngoài trường không ai cấm, nhưng phải đúng quy định", ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.
![Trẻ tiểu học không được học thêm sau giờ học, nhưng được tham gia các hoạt động thể chất, năng khiếu. Ảnh: Duy Hiệu.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_119_51469149/3b8bdb22ea6c03325a7d.jpg)
Trẻ tiểu học không được học thêm sau giờ học, nhưng được tham gia các hoạt động thể chất, năng khiếu. Ảnh: Duy Hiệu.
Không cấm cha mẹ gửi con cho giáo viên trông
Băn khoăn về việc giáo viên tiểu học nhận giữ trẻ sau giờ học để chờ phụ huynh đến đón con, một phóng viên đặt câu hỏi liệu việc giữ trẻ như vậy có đúng quy định hay không.
Ông Hồ Tấn Minh trả lời rằng thông tư chỉ yêu cầu không dạy thêm các môn văn hóa đối với học sinh tiểu học. Nhưng các hoạt động phát triển thể chất, năng khiếu như bơi lội, bóng rổ, âm nhạc, mỹ thuật... vẫn được phép tổ chức.
"Việc học thêm sau giờ học rất nhức nhối, các con học ở trường rồi còn phải đi học thêm. Tôi là người quản lý giáo dục, tôi rất đau lòng vì điều đó. Các con cần thời gian nghỉ ngơi, phát triển, chúng ta cứ chăm chăm cho con đi học các môn văn hóa từ sáng tới tối thì có phù hợp hay không?", ông Minh nói.
Hiện nay, nhiều trường tiểu học trên cả nước tổ chức loạt câu lạc bộ năng khiếu sau giờ học cho học sinh tham gia. Điều này cho phép các em phát triển bản thân, đồng thời tạo điều kiện cho cha mẹ kịp giờ đón con sau khi tan làm.
"Đúng là tiểu học không được dạy thêm, nhưng các hoạt động để phát triển năng khiếu thì vẫn được phép. Quan điểm của ngành giáo dục rất rõ ràng, các văn bản, thông tư cũng thể hiện được điều đó", ông Minh khẳng định.
Một phóng viên khác đặt câu hỏi nếu trường tiểu học không đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, phụ huynh buộc phải gửi con vào một trung tâm bán trú gần đó, liệu giáo viên nhận trông trẻ tại trung tâm bán trú có bị tính là vi phạm hay không.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM nói rằng nếu đáp ứng đúng và đủ điều kiện, giáo viên vẫn có thể thực hiện các hoạt động giảng dạy tại trung tâm ngoài trường học. Khi đó, phụ huynh có thể gửi con cho giáo viên ở trung tâm mà không lo làm sai quy định.