Thu nhập 10 triệu/tháng, công nhân có mơ được suất nhà ở xã hội?
Câu chuyện làm sao để giấc mơ có nhà của công nhân, người lao động nghèo thành hiện thực, nhà ở xã hội đến được đúng đối tượng đã làm nóng nghị trường Quốc hội ngày 24/5 khi Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trong khi cơ quan có thẩm quyền đang nỗ lực để xây dựng nghị quyết một cách thực chất và khả thi thì Chính phủ cùng các cơ quan quản lý nhà nước cũng quyết liệt chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án nhà ở xã hội, triển khai Đề án “1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030” giúp những người lao động thu nhập thấp sớm có nhà.
Mơ ước đang ngoài tầm với
Theo chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh, thu nhập của công nhân, người lao động hiện nay rơi vào khoảng 7 – 10 triệu đồng/tháng. Do đó, nếu người mua nhà ở xã hội có đáp ứng được các điều kiện về thủ tục cũng rất khó tiếp cận. Nguyên nhân chính là khó đáp ứng được điều kiện tài chính. Thu nhập thấp chỉ đủ trang trải các chi phí sinh hoạt hàng ngày, do đó trả nợ gốc còn khó, chưa nói đến việc phải đi vay với lãi suất như hiện nay.
“Chính vì thế, bên cạnh việc phát triển nhà ở xã hội để bán, cần phải đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Vì thu nhập thấp nên sẽ có không ít người lao động chỉ có thể đi thuê và Nhà nước nên hỗ trợ họ thuê nhà giá rẻ. Chương trình nhà ở xã hội cần phải thay đổi theo hướng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp về đất đai và nguồn vốn. Đồng thời hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp để họ có thể thuê nhà với giá thuê phù hợp”, TS Vũ Đình Ánh cho hay và nói thêm rằng, Nhà nước có thể đứng ra xây, có thể sử dụng vốn hỗ trợ ưu đãi để xây.
Nếu Nhà nước không đứng ra xây có thể huy động các thành phần khác tham gia. Chẳng hạn để doanh nghiệp tư nhân làm dự án trong điều kiện được hưởng một số ưu đãi. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể tham gia cả xây nhà và cho thuê nhà hoặc chỉ tham gia xây nhà sau đó sẽ bán/chuyển nhượng cho một bên khác để cho thuê.
Xung quanh câu chuyện công nhân, người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở xã hội, tại phiên thảo luận ngày 24/5 về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) đã xin Quốc hội cho 2 phút để chia sẻ những lời gửi gắm của người lao động đến Quốc hội rằng, họ chỉ mong muốn có một mái nhà nhỏ để an cư, yên tâm làm việc, nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ. Dù chỉ đơn giản như thế nhưng đó là cả một ước mơ của người lao động, bởi một thực tế là tiền lương không tăng nhưng giá nhà và giá tiêu dùng tăng liên tục.
Luật Nhà ở đã ban hành, dù nhiều chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã được triển khai, nhưng với mức thu nhập chỉ trên dưới hơn 10 triệu đồng mỗi tháng, người lao động phải lo toan đủ mọi khó khăn, khoản tiền ăn, tiền học cho con, viện phí điện nước, tiền thuê nhà... nên việc được tiếp cận một căn nhà, trong đó có nhà ở xã hội, là điều ngoài tầm với. Cùng với đó, giá nhà vẫn vượt quá xa khả năng người lao động, tiêu chí và quy trình thủ tục phức tạp. Nhiều người muốn đăng ký nhưng đành từ bỏ vì không đủ điều kiện hoặc không dám gánh thêm nợ trong cuộc sống vốn đã quá chật vật. Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, nghị quyết thí điểm lần này nếu được xây dựng thực chất, khả thi thì chính là niềm hy vọng lớn nhất mà người lao động thu nhập thấp đang trông chờ.

Nhiều địa phương rất chậm triển khai phát triển nhà ở xã hội.
Quyết liệt gỡ khó
Trong khi Quốc hội đang nhanh chóng xây dựng để sớm ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội thì Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cũng quyết liệt chỉ đạo để các dự án nhà ở xã hội nhanh chóng được triển khai. Trong một động thái mới nhất ngày 22/5 vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đôn đốc thực hiện triển khai đầu tư các dự án nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tổng hợp báo cáo của các địa phương, 4 tháng đầu năm 2025, cả nước có 15.614 căn hộ nhà ở xã hội đã hoàn thành, có 17 dự án đã được khởi công với quy mô 17.664 căn. Kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trên địa bàn cả nước đã có 657 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 597.152 căn. Tuy vậy, bên cạnh nhiều địa phương chủ động, tích cực đôn đốc các chủ đầu tư khởi công, hoàn thành các dự án, đạt tỷ lệ cao thì vẫn còn có những địa phương có kết quả chưa tốt.
Bộ Xây dựng cho biết, có những địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến công tác phát triển nhà ở xã hội, chưa có dự án được khởi công hoặc có dự án được khởi công nhưng tỷ lệ hoàn thành thấp, chưa thành lập Ban Chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội, chưa bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bộ Xây dựng đánh giá, việc nhiều dự án nhà ở xã hội triển khai chậm là do các doanh nghiệp vẫn còn gặp vướng mắc, khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư xây dựng, tín dụng, chính sách ưu đãi… Trong đó, khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi cũng là rào cản không nhỏ. Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, mới có 38/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với tổng số 97 dự án. Doanh số giải ngân của Chương trình đạt 3.402,51 tỷ đồng bao gồm: 2.944,42 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 21 dự án và 458,09 tỷ đồng cho người mua nhà tại 19 dự án.
Giải pháp trọng tâm thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo hệ thống ngân hàng đảm bảo hoạt động thông suốt để giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc các dự án tồn đọng về cho vay, tín dụng đối với các dự án bất động sản. Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng tham gia Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng (hiện nay là 145.000 tỷ đồng của 9 ngân hàng thương mại), đẩy mạnh việc cho vay, giải ngân nhanh chóng để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.
Về phần Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội.