Đại biểu Quốc hội đề xuất 'gỡ khó' cho 20% quỹ đất nhà ở xã hội
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó triển khai nhà ở xã hội trên 20% diện tích dự án nhà ở thương mại (theo quy định của Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP). Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cho phép doanh nghiệp có dự án phê duyệt trước 1/8/2024 được đóng tiền tương đương thay vì bố trí 20% quỹ đất dự án làm nhà ở xã hội.

Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh)
Đề nghị cho chủ đầu tư nhà ở thương mại có quyết định chủ trương đầu tư trước 1/8/2024 được đóng tiền thay vì dành 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội
Tại buổi thảo luận hội trường sáng 24/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, rất nhiều dự án nhà ở thương mại được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 1/8/2024 (là thời điểm Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP ngày 26/7/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, có hiệu lực thi hành) đã phải bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội tương ứng với 20% quỹ đất của dự án.
Tuy nhiên, thực tế việc xây dựng nhà ở xã hội tại các quỹ đất này không phù hợp với điều kiện của địa phương do xa nơi làm việc, nơi công tác, không thuận tiện, không phù hợp với đối tượng được thuê, mua hoặc quy mô của dự án quá lớn.
Điều này dẫn đến tình trạng nếu doanh nghiệp tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội sẽ khó thu hút được người thuê, mua.
Trong khi đó, theo đại biểu, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP không quy định rõ cơ chế cho phép UBND cấp tỉnh quyết định xử lý quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đối với các dự án này như quy định tại Điều 83 của Luật Nhà ở 2014.
Vì vậy, đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, cần có quy định để xử lý các trường hợp nêu trên và tạo điều kiện cho UBND các tỉnh linh hoạt trong việc bố trí quỹ đất và bổ sung Quỹ Nhà ở quốc gia để phát triển nhà ở xã hội tại khu vực khác phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, một số địa phương đã bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội nhưng không có nhu cầu xây nhà ở xã hội. Trong khi đó, nguồn lực tài chính để triển khai xây dựng chưa có, nếu tiếp tục xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất do chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại bàn giao sẽ không hiệu quả và lãng phí nguồn lực.
Do đó, đại biểu cho rằng cần có cơ chế cho UBND tỉnh được điều chỉnh các quỹ đất này thành đất xây dựng nhà ở thương mại và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để bổ sung cho Quỹ nhà ở quốc gia.
"Đề nghị bổ sung thêm khoản 6 của Điều 12 của dự thảo Nghị quyết, quy định UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện của địa phương, xem xét quyết định cho phép các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đã được quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, chấp thuận đầu tư trước ngày Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 có hiệu lực thi hành, không phải bố trí quỹ đấttrong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội và được đóng tiền tương đương giá trị của quỹ đất đã đầu tư...", ông Gia nói
Tiền đóng thay cho 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội có thể cho vào quỹ tạo vốn đầu tư nhà ở xã hội
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng, đầu tư nhà ở xã hội lợi nhuận quy định rất thấp, nếu cho thuê giá thuê lại càng thấp, không có khả năng để hoàn trả vốn, vì vậy cần phải có quỹ để tạo vốn đầu tư.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội, Thành viên Tổ tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ)
Đại biểu đề nghị, trong quỹ này có nguồn thu từ quỹ 20% đất của nhà ở thương mại. Nghĩa là thay vì dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, chủ đầu tư nhà ở thương mại được quyền chuyển thành tiền và đóng vào quỹ này.
"Lẽ ra 20% quỹ đất để đầu tư cho nhà ở xã hội thì bây giờ có thể đầu tư nhà ở thương mại, tiền đó để đầu tư vào quỹ này, tôi thấy rằng điều này rất thỏa đáng và rất công bằng", ông Cường nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024/NĐ-CP chỉ quy định cơ chế nộp tiền thay thế này đối với các dự án nhà ở thương mại được phê duyệt chủ trương đầu tư sau khi Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực (1/8/2024).
Còn những dự án nhà ở thương mại được phê duyệt chủ trương đầu tư trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì phần diện tích đất nhà ở thương mại này muốn chuyển thành nhà ở xã hội lại phải phê duyệt lại chủ trương đầu tư, phải làm lại thủ tục hành chính rồi mới được chuyển.
"Như vậy tự nhiên chúng ta làm thêm một khâu hành chính không cần thiết. Tôi đề nghị tại Điều 12 của dự thảo Nghị quyết này, về điều khoản chuyển tiếp, nên thêm khoản 6 đối với những dự án nhà ở thương mại đã được phê duyệt trước khi Luật Nhà ở có hiệu lực thì phần diện tích đất dành cho quỹ phát triển nhà xã hội được quyền chuyển sang thành đất thương mại và quỹ này sẽ mang đấu giá để dùng tiền này đưa vào trong quỹ phát triển nhà xã hội mà không cần phải làm thủ tục phê duyệt lại", ông Cường nói.
Việc gì có lợi cho các bên thì nên cởi mở
Cũng góp ý cho nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) nêu vấn đề, dự thảo đề xuất những dự án nhà ở thương mại mới thì cho 3 phương án lựa chọn đối với 20% quỹ đất xây nhà ở xã hội: hoặc nộp tiền, hoặc xây nhà ở xã hội qua khu tỉnh quy hoạch thuận lợi hơn hoặc tiếp tục xây nhà ở xã hội ở địa điểm cũ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh)
Nhưng những dự án cách đây chỉ có 2 năm được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mà chưa xây thì lại bó cứng là cứ phải tiếp tục xây. Đại biểu đề nghị lần này trong nghị quyết thí điểm phải cởi mở về vấn đề này, cho họ cơ chế hoặc nộp tiền, hoặc xây ở khu tỉnh quy hoạch, đất còn lại thậm chí tỉnh có thể đấu giá để tiếp tục xây phát triển nhà ở thương mại, như vậy lợi ích cả 2 bên, tỉnh cũng có thêm lợi ích, doanh nghiệp cũng có lợi ích và có cả những lợi ích cho xã hội.
"Tinh thần là bây giờ việc gì tốt cho doanh nghiệp, việc gì không tạo ra rủi ro mà có lợi ích chung cho các bên thì nên cởi mở", bà Hà Nhấn mạnh.
Dự kiến, Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội sẽ được bấm nút thông qua vào sáng 29/5 tới, trong ngày làm việc cuối cùng của đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.
TP.HCM kiến nghị cho các chủ đầu tư nhà ở thương mại được đóng tiền tương đương thay vì bố trí 20% quỹ đất dự án làm nhà ở xã hội
Trước đó, đầu tháng 5/2025, UBND TP.HCM kiến nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND Thành phố chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng, cho phép chủ đầu nhà ở thương mại không phải bố trí quỹ đất 20% của dự án để xây nhà ở xã hội. Thay vào đó các chủ đầu tư được đóng tiền tương đương tổng giá trị quỹ đất trên hoặc bố trí nhà ở xã hội tại các vị trí khác.
Quy định trên cho các dự án có một số đặc thù như: quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của dự án không có đất ở là chung cư; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án chỉ có một khối chung cư hoặc nhiều khối nhưng chung khối đế; diện tích 20% đất dành cho nhà ở xã hội trong dự án không đủ để tách thành dự án độc lập.
Lý giải nguyên nhân đề xuất, Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng Luật Nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 đã cho phép ba hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội, gồm bố trí quỹ đất trong dự án, bố trí quỹ đất tại khu vực khác, hoặc đóng tiền. Việc lựa chọn phương án cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định. Hiện nay đã không còn quy định quy mô dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất ở phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, là đô thị loại đặc biệt, TP.HCM chỉ phát triển nhà ở xã hội theo loại hình chung cư, không có nhà ở riêng lẻ. Do đó, việc không bố trí quỹ đất 20% trong các dự án thương mại được đánh giá là phù hợp.
Trước đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng đề xuất gỡ vướng cho 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội trong các dự án thương mại. Theo HoREA, việc triển khai nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án nhà thương mại cao cấp sẽ khó khả thi vì giá bán có thể lên rất cao, vượt khả năng tài chính của nhóm mua nhà ở xã hội.