Thu nhập cao từ nghề ươm cây giống lâm nghiệp

Trước đây gia đình chị Tạ Thị Thuận (55 tuổi), ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ làm nông nghiệp như nhiều gia đình khác. Công việc nhà nông vất vả, sản phẩm làm ra luôn bán với giá rẻ nên cái nghèo, cái khó cứ đeo đuổi mãi. Đến năm 2003, qua tìm hiểu được biết việc ươm cây lâm nghiệp để trồng rừng ít vất vả mà thu nhập lại cao hơn nên chị bàn bạc với chồng và những người trong gia đình chuyển sang làm nghề ươm cây, chủ yếu là cây tràm (tràm tai tượng, hoa vàng, tràm lai).

 Chị Tạ Thị Thuận chăm sóc vườn ươm của gia đình. Ảnh: P.A

Chị Tạ Thị Thuận chăm sóc vườn ươm của gia đình. Ảnh: P.A

Làm được nghề này là nhờ chị có thời gian đi làm thuê cho người ta, học được kĩ thuật ươm giống cây. Lúc đầu chỉ ươm vài chục đến vài trăm ngàn cây, nay số lượng ươm cây giống hằng năm đã lên tới 100-150 vạn cây, sản phẩm làm ra tiêu thụ hết, được khách hàng tin tưởng. Do công việc ngày càng nhiều nên chị thuê 5-6 người làm, hằng năm từ tháng 1 đến tháng 10 việc làm liên tục; cao điểm từ tháng 7 đến tháng 9 là mùa trồng cây, đôi lúc phải làm thêm ban đêm. Vừa thuê nhân công, vợ chồng và các con chị vừa xúm tay vào làm từ xúc đất vào bao, ươm giống, làm vệ sinh luống, tưới cây, đến đưa cây lên xe chở cho khách hàng…

Không chỉ sử dụng kĩ thuật ươm hạt, nay chị học kĩ thuật mới giâm hom (còn gọi là giâm cành), ưu điểm của phương pháp mới này là tiết kiệm nhân công. Nếu trước đây ươm hạt mỗi năm chỉ làm một lứa thì nay 4 lứa, số lượng cây giống tăng lên, thu nhập cũng tăng theo.

Khách hàng không chỉ mua cây giống mà còn tin tưởng thuê chị trồng cây trên các cánh rừng của họ. Để đảm nhận công việc này, chị Thuận thành lập tổ trồng cây có 10 người, mỗi năm trồng được 50-70 ha, tạo thêm thu nhập và việc làm cho nhiều người. Nhờ giống cây tốt, cách trồng, chăm sóc kĩ thuật đảm bảo nên tỉ lệ cây sống đến 95%. Năm 2019, tổ trồng rừng của chị đã được khách hàng thuê đến trồng ở các huyện Đakrông, Hướng Hóa, Triệu Phong, Gio Linh, Cam Lộ…

Không dừng lại ở đó, chị Thuận và những người trong gia đình luôn có khát vọng vươn lên, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế. Gia đình chị đầu tư trồng 4,5 ha cao su, kinh phí đầu tư khá lớn, thời gian đầu tư kéo dài trong nhiều năm nhưng đến nay đã có 2,5 ha cao su cho thu hoạch; mỗi đêm thuê 2 người cạo mủ, bán sản phẩm cũng được 500.000 - 700.000 đồng, lúc giá cao được 1 triệu đồng. Đó là chưa kể những lợi nhuận thu được từ nghề ươm giống cây, mỗi năm trừ chi phí cũng thu được 300 - 400 triệu đồng.

Sắp tới chị Thuận mở thêm cơ sở ươm giống cây ở thôn Mai Lộc, xã Cam Chính, phải đầu tư thêm kinh phí và thuê khoảng 10 người làm. Khi cơ sở ươm giống cây ở Mai Lộc đi vào hoạt động, hằng năm cung cấp cho thị trường khoảng 150 - 200 vạn cây giống. Chị dự tính mở rộng thị trường bán cây sang Lào, bởi theo khảo sát đây cũng là thị trường tiềm năng.

Từ một người nông dân chân đất, chị Tạ Thị Thuận không bằng lòng với cách làm ăn kiểu cũ, lối canh tác truyền thống, theo kiểu sản xuất lúa gạo, bắp, đậu, hoa màu của vùng quê An Mỹ, Cam Tuyền mà chị đã bắt nhịp với những đổi mới kinh tế thị trường. Sản phẩm của chị làm ra có chất lượng, mang tính hàng hóa, đáp ứng được nhu cầu của thị trường vì thế thu nhập ngày càng cao, đảm bảo cuộc sống gia đình ổn định, tạo việc làm cho nhiều người khác. Với những việc làm của mình, chị Thuận đã góp phần phủ xanh nhiều diện tích đồi núi trọc, mang lại những đổi thay cho quê hương, qua đó tăng thu nhập cho nhiều lao động ở nông thôn.

PA

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=145103