Thu nhập cao từ rau an toàn tại HTX dịch vụ tổng hợp Đông Cao
Nhắc đến mô hình rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội không thể không kể đến HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh. Những năm gần đây, HTX đã 'bắt tay' liên kết sản xuất rau sạch với doanh nghiệp, góp phần thay đổi tư duy canh tác truyền thống, ổn định đầu ra, cải thiện thu nhập cho các thành viên.
Nằm ven sông Hồng, vùng canh tác rau, củ, quả rộng hơn 200ha tại thôn Đông Cao (xã Tráng Việt) được xem là một trong những vựa rau màu lớn nhất của Hà Nội.
Chú trọng chất lượng ở "vựa rau an toàn"
Không chỉ cung ứng sản lượng lớn rau, củ, quả cho người dân Thủ đô, chất lượng nông sản nơi đây cũng từng bước khẳng định được vị thế. Năm 2019, 17 sản phẩm rau của HTX Đông Cao đã được UBND thành phố Hà Nội đánh giá đạt 3 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), riêng củ cải đạt 4 sao.
Ông Đàm Văn Đua, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao cho biết: “Những năm qua, HTX đẩy mạnh mô hình trồng rau sạch phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Nhờ sản xuất rau sạch mà nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống”.
Các loại rau thế mạnh của Đông Cao là củ cải, cà chua, cải ngồng... và trong số này khoảng 100ha luôn được các hộ dân thâm canh trong 9 tháng mỗi năm. Từ tháng 5 - 8, do thời tiết nắng nóng, người dân chỉ trồng các loại cây dây leo như bầu bí, mướp đắng, lặc lè…
Trồng rau đã trở thành một nghề làm giàu đối với nông dân xã Tráng Việt, đặc biệt là rau, củ ở HTX Đông Cao. Nhờ sản lượng và giá cả ổn định, nông dân thôn Đông Cao có thể thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Dưới sự hướng dẫn của Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tại Đông Cao, các hộ dân đều áp dụng kỹ thuật tưới tiêu hiện đại, sử dụng phân bón hợp lý với việc dùng phân hữu cơ, phân xanh, bột đậu tương…, trong phòng trừ sâu bệnh ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công, thuốc thảo mộc, sinh học để bảo đảm rau ra thị trường là rau an toàn.
Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao Đàm Văn Đua cho biết: “Chúng tôi đang phát triển sản phẩm củ cải khô. Việc áp dụng công nghệ vào chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sau thu hoạch cũng là định hướng đang được HTX chú trọng nghiên cứu nhằm gia tăng giá trị nông sản, kéo dài thời gian sử dụng”.
Cùng với củ cải sấy khô, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển 18 sản phẩm OCOP hiện có, phấn đấu duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm cho các loại rau, củ, quả tại địa phương.
Bên cạnh đó, HTX tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm bền vững có sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa "được mùa mất giá", hoặc bị tư thương ép giá.
Hợp tác nỗ lực khắc phục khó khăn
Là một trong những HTX có số lượng thành viên lớn, việc ứng dụng công nghệ 4.0 tại HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao gặp không ít khó khăn. Giám đốc HTX Đàm Văn Đua cho biết, HTX có nhiều thành viên cao tuổi, do đó việc sử dụng thiết bị di động để quản lý sản xuất ít nhiều gặp khó khăn.
Ngoài ra, việc xây dựng và phát triển chuỗi của HTX còn chưa mạnh do quy mô triển khai nhỏ nên chưa tạo được chuỗi giá trị bền vững; mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất - tiêu thụ nông sản còn lỏng lẻo; sản phẩm tiêu thụ theo chuỗi chưa được nhiều.
Bên cạnh diện tích trồng rau được mở rộng, chất lượng từng bước được nâng cao, rau an toàn của Đông Cao cũng phải đối mặt nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất của thôn Đông Cao nói riêng và xã Tráng Việt nói chung là đầu ra. Chính quyền địa phương đang tìm kiếm một thị trường tiêu thụ ổn định để tránh lặp lại cảnh “được mùa, mất giá”. Bên cạnh đó, việc thiếu nguồn điện để tưới tiêu cho đồng ruộng cũng là vấn đề mà người dân nơi đây đặc biệt quan tâm.
Dù chủng loại rau, củ, quả tương đối đa dạng, tuy nhiên, giá trị kinh tế từ sản phẩm OCOP của HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao chưa tương xứng. Nguyên nhân là rau, củ, quả của HTX chủ yếu xuất bán thô, chưa có sản phẩm qua chế biến sâu. Một số chuỗi liên kết chưa thực sự ổn định, bền vững…
Giám đốc HTX Đàm Văn Đua chia sẻ: “Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả khá gian nan bởi lượng cung ứng cho 2 đơn vị bao tiêu (Vifoco tại tỉnh Bắc Giang và VinEco tại Hà Nội) do HTX ký kết với số lượng không nhiều. Phần lớn sản phẩm do thương lái thu mua rồi đưa đến các chợ đầu mối hoặc thành viên tự tìm nơi tiêu thụ, thu nhập không ổn định…”.
Trước tình hình này, những năm gần đây, HTX Dịch vụ tổng hợp Đông Cao đầu tư thêm nhóm sản xuất các sản phẩm rau, củ sấy khô, điển hình như củ cải, mướp đắng, cà rốt… Việc chế biến rau, củ sấy khô một mặt giúp HTX có thể điều tiết lượng rau củ nhiều khi vào chính vụ, mặt khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu phong phú của khách hàng.