Thu nhập ổn định từ nghề làm bánh gio

Huyện Đan Phượng, TP Hà Nội không chỉ là vùng đất giàu truyền thống lịch sử mà còn nổi tiếng với nền ẩm thực văn hóa đặc sắc như: Nem Phùng, rượu đậu Hồng Hà, cháo se Hạ Mỗ... Trong đó, không thể không nhắc đến bánh gio Liên Hồng.

Xã Liên Hồng nằm ở phía Đông Bắc của huyện Đan Phượng, TP Hà Nội. Mỗi dịp lễ, tết ngoài bánh chưng, bánh tét thì bánh gio không thể thiếu trong mâm cơm của người dân nơi đây. Theo các bậc cao niên trong xã kể lại, nhân dân trong vùng có phong tục vào dịp lễ, tết, mọi gia đình đều tự làm bánh gio để cúng tổ tiên và thưởng thức. Nghề làm bánh gio ra đời từ đó và ngày nay đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

 Bà Nguyễn Thanh Dung kiểm tra bánh gio trước khi giao cho thương lái.

Bà Nguyễn Thanh Dung kiểm tra bánh gio trước khi giao cho thương lái.

Chúng tôi tìm đến gia đình bà Nguyễn Thanh Dung ở xóm Quý Đình đã có hơn 20 năm làm món bánh gio truyền thống. Bà Dung cho biết: “Nguyên liệu làm bánh gio hoàn toàn có trong tự nhiên như: Rơm nếp, cây vừng, cây đỗ tương, vỏ bưởi, cây dền... Nguyên liệu chính tạo nên sự khác biệt của bánh gio so với một số loại bánh được làm từ gạo nếp khác chính là nước gio. Đây được xem như là nguyên liệu quyết định. Để làm nước gio, các nguyên liệu như vỏ bưởi, cây vừng, dền, rơm nếp... sẽ được đốt thành gio, sau đó đem ngâm vào chum lớn với nước, để khoảng hai ngày cho lắng gio, chỉ còn lại lớp nước bên trên. Lớp nước gio bên trên chính là nước được dùng để ngâm với gạo nếp nhung. Gạo đạt chuẩn sẽ là hạt gạo nở đều và ngấm màu nước gio. Sau khi gạo ngâm đạt chuẩn sẽ được đem gói trong lá dong đã được rửa sạch và luộc kỹ, sau đó xếp ngăn nắp trong nồi với sự đan xen của măng khô, đây cũng là nguyên liệu khác biệt tạo nên hương vị đặc biệt của bánh gio. Thành phẩm bánh gio có màu đỏ tươi, độ bóng nhuyễn nhất định, bánh dẻo và vị hơi nồng, thanh mát”.

Ở nhiều nơi, bánh gio chỉ được làm vào dịp lễ, tết nhưng với người dân xã Liên Hồng, bánh được làm hằng ngày để bán cho các địa phương lân cận. Hiện nay, tại xã Liên Hồng có khoảng 10 hộ sản xuất bánh gio để bán. Hộ đông nhân công nhất có 5 người làm, đem lại thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/ người/ tháng. Bà Nguyễn Thanh Dung chia sẻ: “Thông thường dịp mùa hè, cơ sở của tôi tiêu thụ 300-500 chiếc/ngày, tăng mạnh vào mùa đông, dịp lễ, tết với khoảng 2.000 chiếc/ngày. Dù được biết đến rộng rãi, được cải tiến mẫu mã, nhãn hiệu nhưng loại bánh truyền thống này vẫn chủ yếu chế biến thủ công, các khâu đều được làm rất cẩn thận nên cũng không thể sản xuất được nhiều”.

Bài và ảnh: BÙI LÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-nhap-on-dinh-tu-nghe-lam-banh-gio-781152