Thu nhập thấp, áp lực khiến chuyên khoa Truyền nhiễm ít bác sĩ chọn theo học

Bác sĩ chuyên khoa về Truyền nhiễm phải đối mặt với nhiều áp lực do tính chất công việc vất vả.

Hiện nay, tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, tuyến tỉnh, trung ương đều có khoa Truyền nhiễm để cung cấp các dịch vụ lâm sàng chẩn đoán và điều trị các loại bệnh truyền nhiễm hoặc tình trạng bệnh lý do các tác nhân truyền nhiễm (vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm) gây ra.

Nguồn nhân lực đội ngũ chuyên môn tại khoa Truyền nhiễm là các bác sỹ đa khoa tốt nghiệp ngành Y khoa (được cấp chứng chỉ đào tạo về truyền nhiễm) và bác sỹ có trình độ sau đại học về truyền nhiễm (bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II..).

Về công tác đào tạo, Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học. Danh mục thống kê các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, mã ngành 8720109 là của ngành Bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới.

Ngành này không có mã ngành đào tạo ở trình độ đại học. Ở trình độ đại học, nhà trường có các module, học phần đào tạo lý thuyết liên quan cho các sinh viên ngành Y khoa.

Ví dụ như Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo cho sinh viên ngành Y khoa về module miễn dịch - nhiễm trùng với 3,5 tín chỉ (trong đó có 0,5 tín chỉ thực hành), 3 tín chỉ về huyết học (có 0,5 tín chỉ về thực hành); Tiếp đó đến năm thứ 5 đại học, sinh viên được học về môn truyền nhiễm với 4 tín chỉ.

Về thực hành, sinh viên sẽ đến các cơ sở bệnh viện để học thực hành.

Để tìm hiểu rõ hơn về công tác đào tạo ngành Bệnh truyền nhiễm và các bệnh nhiệt đới, phóng viên đã có buổi trao đổi với Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Trường (Trưởng phòng Đào tạo Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương). Bên cạnh đó, là những chia sẻ của một số bệnh viện về tính chất công việc của bác sĩ khoa Truyền nhiễm.

Công tác đào tạo chuyên môn về bệnh Truyền nhiễm

Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện là một trong những cơ sở trọng điểm đào tạo thực hành cho sinh viên nhiều trường đại học, bên cạnh đó nơi đây còn là cơ sở đào tạo sau đại học cho bác sỹ của các bệnh viện.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Mạnh Trường (Trưởng phòng Đào tạo Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho hay, đơn vị thực hiện nhiệm vụ do Bộ Y tế giao như chỉ đạo tuyến, khám chữa bệnh từ xa, tổ chức các lớp phòng chống dịch...

"Viện có khoảng 40-50 lớp đào tạo về trực tuyến, chuyển giao kỹ thuật tại các địa phương và tại bệnh viện.

Đối với các lớp đào tạo kỹ thuật cao về chuyển giao kỹ thuật sẽ được tổ chức tại bệnh viện. Theo đó, y, bác sĩ của các tuyến bệnh viện lên học, hoặc đội ngũ cán bộ giảng viên của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có thể xuống các đơn vị có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật để chuyển giao kỹ thuật", Trưởng phòng Đào tạo Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới chia sẻ.

 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có địa chỉ ở 78 Giải Phóng, nằm giáp Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có địa chỉ ở 78 Giải Phóng, nằm giáp Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Thầy Nguyễn Mạnh Trường cho hay, đơn vị đào tạo bậc sau đại học (tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I, bác sĩ chuyên khoa cấp II...) được tổ chức ở cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội.

Về đào tạo thực hành, Viện cũng tham gia đào tạo thực hành cho sinh viên tại cơ sở 78 Giải Phóng, Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội. Hằng năm, bệnh viện tiếp nhận đào tạo từ 4.000-5.000 sinh viên. Trong đó, chủ yếu là sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội.

"Từ năm thứ ba đại học, sinh viên ngành Y khoa sẽ đến thực hành tại bệnh viện, trong khoảng thời gian một tháng. Thời gian còn lại, các tân bác sĩ đa khoa sẽ phải học nhiều môn, trong đó chủ yếu về nội, ngoại, sản, nhi", thầy Trường nói.

 Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại cơ sở 78 Giải Phóng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại cơ sở 78 Giải Phóng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Về đội ngũ giảng viên, Trưởng phòng Đào tạo Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới cho hay, giảng viên cơ hữu của của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khoảng 200 người, ngoài ra còn có 20 giảng viên của các trường đại học tham gia giảng dạy.

Bác sỹ chuyên khoa Truyền nhiễm phải chịu nhiều áp lực

Theo thầy Nguyễn Mạnh Trường, bác sĩ chuyên khoa về Truyền nhiễm phải đối mặt với nhiều áp lực do tính chất công việc vất vả.

Bệnh về truyền nhiễm diễn biến nhanh, cấp tính, như bệnh nhân bị sốt rồi lên cơn co giật, bác sĩ đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến tính mạng bệnh nhân nên gặp rất nhiều áp lực.

Thực tế hiện nay, khoa Truyền nhiễm của một số bệnh viện không tuyển được bác sĩ, hoặc có tuyển được người thì sau họ có thể chuyển vị trí khác do mức lương còn thấp.

 Y, bác sĩ làm việc tại khoa Truyền nhiễm gắn liền với sự nguy hiểm, áp lực công việc.(Ảnh: Mạnh Đoàn)

Y, bác sĩ làm việc tại khoa Truyền nhiễm gắn liền với sự nguy hiểm, áp lực công việc.(Ảnh: Mạnh Đoàn)

"Các bệnh viện hiện nay có cơ chế tự chủ, bác sĩ trực cấp cứu chỉ được phụ cấp khoảng 100 nghìn đồng, nếu có trường hợp bệnh nhân tử vong, bác sĩ sẽ phải thức trắng đêm.

Có nhiều bác sĩ làm chuyên khoa về Truyền nhiễm nhưng sau đó xin chuyển chỗ khác, để có mức lương tốt hơn. Họ có thể làm phòng khám nội về nhi, bệnh cúm, sốt, thủy đậu, sốt xuất huyết...", Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Mạnh Trường chia sẻ.

 Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 78 Giải Phóng). (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 78 Giải Phóng). (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Bác sĩ khoa Truyền nhiễm tại bệnh viện tuyến tỉnh có chế độ ra sao?

Theo bà Phạm Lan Anh (Phó trưởng phòng - Phòng công tác xã hội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn), bệnh viện sẽ bố trí cho bác sĩ đa khoa trúng tuyển vào làm việc tại các khoa trong đơn vị. Bác sĩ làm việc tại khoa Truyền nhiễm sẽ được cử đi học chứng chỉ.

Hiện nay, khoa Truyền nhiễm của bệnh viện hiện có 19 người, bao gồm: 5 bác sĩ, 13 điều dưỡng và 1 hộ lý.

Số người có trình độ sau đại học gồm 2 người; 8 người có trình độ đại học; 8 người trình độ cao đẳng, trung cấp và 1 người trình độ trung cấp (công việc hỗ trợ, phục vụ).

Từ năm 2022 đến nay, có 1 bác sĩ tham gia đào tạo chuyên khoa cấp I - Truyền nhiễm.

"Đây là chuyên ngành có sức hút thấp, hàng năm số lượng bác sĩ đăng ký tham gia đào tạo còn hạn chế. Ban lãnh đạo bệnh viện luôn quan tâm, động viên viên chức, người lao động tham gia đào tạo dài hạn, ngắn hạn chuyên ngành Truyền nhiễm. Các trường hợp được cử đi đào tạo theo kế hoạch đều được hỗ trợ chi phí đào tạo", bà Phạm Lan Anh chia sẻ.

Chia sẻ về mức lương, phụ cấp của y, bác sĩ khoa Truyền nhiễm, bà Phạm Lan Anh cho biết, với đối tượng biên chế được nhận mức lương từ 10-23 triệu đồng/tháng. Đối tượng lao động hợp đồng có mức lương từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Phụ cấp độc hại bằng tiền mức 4 (là mức cao nhất), bên cạnh đó ưu đãi nghề từ 60-70% theo số lượng quy định cụ thể. Khoa không có trường hợp nào xin nghỉ việc.

Chia sẻ thêm về nội dung nêu trên, ông Lê Văn Sỹ (Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa) cho hay, khi Viện Đào tạo và nghiên cứu bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có chương trình đào tạo, đơn vị sẽ cử người đi học.

"Bình thường với lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, chuyên khoa II, đơn vị vẫn cử người đi học", Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Theo vị lãnh đạo, hiện tại khoa Truyền nhiễm của bệnh viện có 7 bác sĩ với nhân viên là tổng gần 30 người.

"Y, bác sĩ khoa Truyền nhiễm đối mặt với các bệnh truyền nhiễm, nên tính chất công việc nguy hiểm. Ngoài ra, họ phải đối mặt với áp lực công việc khi dịch dã xảy ra, họ rất vất vả nhưng ai cũng yêu quý nghề mình đã lựa chọn, yên tâm công tác", ông Lê Văn Sỹ chia sẻ.

Ông Lê Văn Sỹ chia sẻ thêm, bệnh viện đã thực hiện tự chủ. Bác sĩ mới tốt nghiệp đại học có hệ số lương là 2,34. Với mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng, lương của một bác sĩ mới ra trường khoảng 5,5 triệu đồng. Ngoài ra, khi họ trực đêm có phụ cấp đặc thù nghề nghiệp.

"Đơn vị đã thực hiện tự chủ nên đơn vị chi trả cho y, bác sĩ đi học", Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa chia sẻ.

Mạnh Đoàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thu-nhap-thap-ap-luc-khien-chuyen-khoa-truyen-nhiem-it-bac-si-chon-theo-hoc-post244862.gd