Thu phí không dừng-lợi ích rõ nét

Hiện nay, các tuyến quốc lộ, cao tốc trên cả nước đều đã cơ bản đưa vào sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC), mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.

Việc đẩy mạnh hình thức thu phí này có sự đóng góp rất lớn của đơn vị cung cấp dịch vụ, trong đó có Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) thuộc Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Trao đổi với Báo Quân đội nhân dân, Trung tá QNCN Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC chia sẻ về những lợi ích mà ETC mang lại cũng như định hướng phát triển giao thông thông minh trong thời gian tới.

Giúp giảm đáng kể ùn tắc giao thông

- PV: Đồng chí có thể chia sẻ về tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng BOO2 do VDTC đảm nhận? Tiến độ này có đáp ứng được yêu cầu đề ra không, thưa đồng chí?

Trung tá QNCN Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam.

Trung tá QNCN Bùi Trình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam.

- Trung tá Bùi Trình: Tính đến thời điểm hiện tại, tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng BOO2 hoàn toàn đáp ứng cam kết.

Cụ thể: Trong thời gian hơn 5 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ngày 14-7-2020), VDTC đã hoàn thành mua sắm, lắp đặt, đưa vào vận hành hệ thống thu phí không dừng tại 21 trạm thu phí và kết nối hệ thống trung tâm dữ liệu cho 35 trạm thu phí trước ngày 31-12-2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, 8 trạm thu phí tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến ảnh hưởng về hiệu quả đầu tư của dự án BOO2.

- PV: Trong một số dịp nghỉ lễ, xuất hiện ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến đường cửa ngõ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đặc biệt ở khu vực các trạm thu phí. Thu phí không dừng có thể góp phần khắc phục tình trạng này như thế nào, thưa đồng chí?

- Trung tá Bùi Trình: Tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ETC đã tăng rõ rệt trong một năm vừa qua. Sự tham gia và bùng nổ của ePass (dịch vụ thu phí không dừng do VDTC triển khai) đã góp phần đẩy mạnh tỷ lệ sử dụng ETC tại Việt Nam từ 25% lên 50%. Tỷ lệ ETC tại các tuyến cao tốc đã triển khai thu phí không dừng vượt quá 50%. Trong các trạm thu phí do VDTC triển khai, chúng tôi đã ghi nhận những trạm có tỷ lệ ETC đạt 75%.

Như vậy, có thể nói, nhận thức của người dân về lợi ích của dịch vụ đã được nâng cao trong suốt thời gian qua. Cùng với đó, việc thí điểm ETC hoàn toàn tại cao tốc Hà Nội-Hải Phòng sẽ giúp cho tình trạng ùn tắc giao thông giảm đáng kể.

Khi thu phí không dừng của Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, không còn ba-ri-e, không còn trạm thu phí sẽ xóa bỏ ùn tắc, giảm thiểu chi phí vận hành, nhân công... Khi đó, chúng ta sẽ thấy lợi ích của thu phí không dừng một cách rõ nét hơn.

Hỗ trợ vận hành hiệu quả hệ thống giao thông

- PV: Vẫn còn một số lỗi gặp phải khi sử dụng thu phí không dừng như xe đủ điều kiện qua trạm nhưng ba-ri-e không mở, trừ tiền hai lần... Cần có giải pháp gì để khắc phục triệt để lỗi này, thưa đồng chí?

- Trung tá Bùi Trình: Hiện nay, Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu tiên trong 4 giai đoạn triển khai ETC, đây là giai đoạn vẫn có ba-ri-e và chỉ mở khi xe đủ tất cả điều kiện về thẻ dán trên xe và trừ tiền thành công. Trong giai đoạn này, một phương tiện cần bảo đảm hai điều kiện: Thẻ được dán trên xe đúng vị trí, tài khoản còn tiền thì sẽ qua trạm thành công. Các phương tiện đáp ứng hai yếu tố trên mà vẫn không qua được trạm do một số lý do. Trước hết, khi di chuyển qua làn ETC, nhiều lái xe bám buôi xe phía trước, đặc biệt là xe tải dẫn đến cản tầm nhìn, hệ thống không nhận diện được thẻ của phương tiện, ba-ri-e không mở hoặc đang di chuyển thì ba-ri-e đóng lại. Trong trường hợp này, chủ phương tiện nên duy trì vận tốc 40 km/giờ, giữ khoảng cách 3-5m với xe phía trước.

Dán thẻ trên ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Ảnh: BẢO LINH

Dán thẻ trên ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Ảnh: BẢO LINH

Nếu chủ phương tiện đăng ký sử dụng dịch vụ của hai nhà cung cấp trên một phương tiện sẽ dẫn đến việc hệ thống khó nhận diện phương tiện và tài khoản. Trong một số trường hợp, hệ thống ETC của nhà đầu tư BOT hoặc nhà cung cấp dịch vụ gặp trục trặc. Với những trường hợp này, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng đã thống nhất sẽ trừ tiền offline (trừ tiền sau), sau khi hệ thống được hiệu chỉnh và vận hành bình thường.

Nếu tài khoản ePass hoặc ViettelMoney (tài khoản tiền di động của Viettel) đã trừ tiền cho lượt qua trạm nhưng ba-ri-e không mở, nhân viên thu phí yêu cầu trả tiền mặt, khách hàng cần cung cấp tin nhắn hoặc thông báo trừ tiền và yêu cầu nhân viên vận hành tại trạm kiểm tra, mở ba-ri-e cho xe qua thay vì thanh toán tiền mặt.

- PV: Với nền tảng công nghệ vững mạnh, Viettel nói chung và VDTC nói riêng sẽ tiếp tục mở rộng tiện ích về giao thông thông minh như thế nào, thưa đồng chí?

-Trung tá Bùi Trình: Ngay từ khi triển khai thu phí không dừng, chúng tôi đã xác định sứ mệnh của mình là đồng hành với giao thông Việt Nam giải quyết các bất cập, đặc biệt là bất cập về tắc nghẽn. Nhu cầu đặt ra là phải thông minh hóa, tự động hóa, số hóa để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống giao thông vận hành một cách hiệu quả, nhất là hỗ trợ người tham gia giao thông có những lựa chọn tối ưu nhất, an toàn nhất. Ví dụ, khi lái xe vận hành một chiếc ô tô thì tất cả quy trình như đỗ xe, trả phí, cảnh báo, hỗ trợ xử lý vi phạm... cần được xử lý một cách thông minh, tự động.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển giao thông như gắn kết với camera giám sát, đèn báo hiệu, các trung tâm giám sát, điều hành giao thông cần được trang bị hệ thống số hiện đại nhất. Từ đó, giúp tự động hóa toàn bộ quá trình giám sát, điều hành hệ thống giao thông của Việt Nam.

-PV: Xin cảm ơn đồng chí!

MẠNH HƯNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thu-phi-khong-dung-loi-ich-ro-net-696375