Thu phí không dừng: Vì sao vẫn chậm?

Chậm lắp thu phí tự động: 3 trạm BOT bị đóng cửa từ ngày 6-7

(HNM) - Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất tới ngày 31-12-2019, tất cả trạm thu phí BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) phải áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, vẫn còn nhiều nhà đầu tư BOT có biểu hiện chây ỳ. Vì sao có tình trạng này?

Trạm thu phí Bến Thủy (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Tuấn Khải

Hệ thống thu phí tự động không dừng là một bộ phận của các dự án BOT và bắt buộc phải thực hiện theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ nhằm tăng cường tính minh bạch trong công tác thu phí. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tiến độ triển khai dự án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, giai đoạn 1 của dự án có 44 trạm (gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cộng với 18 trạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ khác), với tổng số 620 làn, hiện đã lắp đặt ở 430 làn vận hành thương mại. Dự án giai đoạn 1 đang gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, công ty trách nhiệm hữu hạn VETC - nhà đầu tư lắp đặt các trạm thu phí tự động gặp khó khăn về tài chính do ngân hàng chưa tiếp tục cung cấp tín dụng cho dự án, dẫn tới việc từ tháng 3-2019 đến nay VETC không triển khai thêm được hạng mục nào.

Bên cạnh đó, các hợp đồng BOT đã ký trước đây không có chủ trương áp dụng thu phí không dừng nên hiện tại, để triển khai được thu phí không dừng cần ký phụ lục hợp đồng đối với tất cả nhà đầu tư BOT. Song, vẫn còn không ít nhà đầu tư BOT có biểu hiện chây ỳ chưa muốn triển khai. Tổng cục đã nhiều lần đàm phán với nhà đầu tư BOT của 44 trạm, nhưng đến hết tháng 6-2019 mới ký được phụ lục hợp đồng với 8 trạm.

Ghi nhận thực tế trên tuyến quốc lộ 1 những ngày vừa qua cho thấy, tại một số trạm thu phí như: Hoàng Mai, Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) mặc dù có làn thu phí không dừng, song hầu hết các phương tiện vẫn chọn các làn hỗn hợp và làn thu phí một dừng; chỉ có vài phương tiện đi vào làn không dừng. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều trạm thu phí khác.

Thừa nhận tình trạng này, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: "Hiện nay, mới có khoảng 700.000 trong tổng số hơn 3,5 triệu phương tiện trên toàn quốc dán thẻ. Tỷ lệ người trả phí tự động tại các trạm còn thấp, chỉ đạt khoảng 30% lượng phương tiện đã dán thẻ. Nguyên nhân chủ yếu là chủ phương tiện vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt khi thanh toán phí sử dụng đường bộ".

Đề cập việc dự án thu phí không dừng bị chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc áp dụng công nghệ hiện đại trong thu phí là xu thế tất yếu. Do đó, Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm bổ sung chế tài xử lý các nhà đầu tư cố tình không sớm triển khai dịch vụ thu phí không dừng.

Nhằm thúc đẩy việc thu phí không dừng bảo đảm đúng tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ "chốt" tại Quyết định 07/2017/ QĐ-TTg (ngày 27-3-2017), Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, nếu nhà đầu tư nào chậm ký phụ lục hợp đồng sẽ dừng thu phí.

Đối với nhà cung cấp dịch vụ VETC, cần có cơ chế giám sát đặc biệt. VETC phải làm việc với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn trong việc giải ngân cho dự án. Nhà đầu tư nào nếu không tin tưởng VETC có thể ký hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ giai đoạn 2 do Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) là nhà đầu tư. Giai đoạn 2 cũng sẽ phải lắp đặt và vận hành các trạm ngay trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/939475/thu-phi-khong-dung-vi-sao-van-cham