THU PHÍ SỬ DỤNG VỈA HÈ: CẦN THIẾT, HỢP LÝ (*): Sát thực tế, phù hợp xu hướng
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng việc tổ chức thu phí sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường là hoàn toàn sát thực tế, phù hợp xu hướng
Ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, nhận định vỉa hè là một phần không gian công cộng quan trọng của đô thị, không chỉ là nơi bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hay dành cho người đi bộ, mà còn là nơi diễn ra dòng chảy về kinh tế chính thức và phi chính thức với các hoạt động mua bán, dịch vụ rất đa dạng.
Cần cái nhìn mới, quyết tâm mới
Theo ông An, nghiên cứu của Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM trước đó cũng nêu rõ đã đến lúc phải thay đổi khái niệm vỉa hè, văn minh đô thị để thấy được sự sống động của vỉa hè, nét văn hóa đặc thù và sức sống riêng của đô thị TP HCM.
Để làm được việc trên, khi thu phí sử dụng vỉa hè, không chỉ chính quyền mà người sử dụng cũng phải nâng cao ý thức. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định quản lý mới, song song đó nghiêm túc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm. Theo ông An, khi các hoạt động diễn ra trên vỉa hè được đưa vào khuôn khổ sẽ vừa bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, vừa chia sẻ lợi ích kinh tế - xã hội cho chính quyền và người dân.
Cho rằng việc kinh doanh trên vỉa hè không còn xa lạ với các quốc gia trên thế giới, chuyên gia đô thị Lê Thị Dung đưa ra dẫn chứng về việc kinh doanh hàng loạt quán cà phê vỉa hè ở Pháp; những xe đẩy, hàng quán ven quảng trường Thời đại ở New York; mô hình kinh tế vỉa hè ở TP Seoul (Hàn Quốc)... Bà Dung cho rằng thay vì cố gắng xóa bỏ nhưng không mang lại kết quả tích cực như hiện nay, TP HCM ban hành Đề án thu phí quản lý sử dụng vỉa hè, lòng đường là sát thực tế, phù hợp xu hướng.
Là người tâm huyết với câu chuyện quản lý vỉa hè, TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, cho rằng với đô thị đặc biệt như TP HCM có văn hóa vỉa hè tồn tại lâu đời, khi đưa vào quản lý, thành phố cần có quan điểm xuyên suốt việc lập lại trật tự vỉa hè, đường phố nhằm hỗ trợ, giúp đỡ cho những người lao động nghèo. Trên quan điểm đó, đưa ra những quyết sách để người dân hiểu rằng việc đóng thuế phí hay quy hoạch, sắp xếp lại vỉa hè cùng các chế tài... nhằm giúp đỡ chứ không tạo ra xung đột hay hạn chế quyền lợi của người dân.
KTS Nguyễn Ngọc Phước Đại cũng nhấn mạnh cần phải xem lại định nghĩa vỉa hè. "Vỉa hè không phải là phần ngăn cách giữa lòng đường và ngôi nhà. Vỉa hè cũng không phải chỉ dành cho mỗi người đi bộ mà vỉa hè còn là một không gian công cộng, không gian giao lưu văn hóa và giao tiếp cộng đồng với những giá trị nhân văn sâu sắc" - KTS Đại nhìn nhận.
Những việc cần lưu ý
Ủng hộ đề án thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè mà TP HCM vừa trình HĐND, TS Dương Như Hùng (Trường ĐH Bách khoa TP HCM), cho rằng để dần đưa tình trạng lấn chiếm, sử dụng vỉa hè vào trật tự, bảo đảm mỹ quan, an toàn giao thông, ngoài thay đổi cách nhìn về vỉa hè thì trước khi triển khai đề án, thành phố cùng các sở, ngành, địa phương cần phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ thực trạng giao thông và tác động giao thông trên các tuyến đường, quanh khu vực có thể cho sử dụng tạm vỉa hè để thu phí.
Theo TS Hùng, khi triển khai, thành phố có thể khuyến khích sử dụng vỉa hè vào ban đêm vì nhu cầu kinh doanh, buôn bán ban đêm ở TP HCM rất phong phú. "Về quản lý thu phí, thành phố nên có một cơ quan đứng ra cùng địa phương quản lý để bảo đảm tính công khai, minh bạch và quá trình quản lý cần áp dụng công nghệ, các phần mềm để tăng tính hiệu quả" - TS Hùng lưu ý.
Đồng quan điểm, KTS Đại cũng cho rằng thành phố cần có một ban chuyên trách để làm công tác quy hoạch, quản lý, cho thuê, duy tu và bảo dưỡng vỉa hè. Ban chuyên trách này sẽ gồm những người có chuyên môn trong lĩnh vực quy hoạch, hạ tầng đô thị, văn hóa xã hội. Ngoài ra, theo ông Đại, bên cạnh quy hoạch tổng thể trong sử dụng và quản lý vỉa hè thì cũng cần có hành lang pháp lý đi kèm. Hành lang pháp lý này sẽ ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ của người đi thuê vỉa hè với đơn vị cho thuê.
"Phải có những ràng buộc ngay từ đầu. Vỉa hè được quy hoạch cho thuê sử dụng với mục đích gì thì người thuê phải thực hiện theo. Không để xảy ra tình trạng người thuê vỉa hè được sử dụng tùy thích theo nhu cầu riêng của mình. Bởi điều này sẽ gây ra tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, thậm chí làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự của địa phương có vỉa hè cho thuê" - ông Đại phân tích.
Một lưu ý khác mà theo TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, là không thể bỏ qua, đó là nhiều hộ có mặt tiền nhà trên tuyến đường có vỉa hè rộng nhưng không có nhu cầu thuê.
Vì vậy, nếu nhà nước cho thuê vỉa hè trước mặt tiền nhà sẽ làm ảnh hưởng không gian sống, giá trị cũng như mỹ quan khu vực, chưa kể tạo ra xung đột giữa người chủ mặt tiền và người thuê vỉa hè. "Điều này cần phải rõ ràng khi cho thuê" - TS Thuận lưu ý.
Dựa vào sự đồng thuận của chủ nhà mặt tiền
Trước những lưu ý trên, ông Ngô Hải Đường - Trưởng Phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ - Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, cho biết sau khi HĐND TP HCM thông qua Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè, UBND TP HCM sẽ ban hành kế hoạch thực hiện. Hiện nay, Sở GTVT và các địa phương đang rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể. Các tuyến đường khi khảo sát vẫn phải ưu tiên tối thượng là vỉa hè phải còn đủ 1,5 m để không đẩy người dân đi vào chỗ có chướng ngại vật như trụ điện, bồn cây...
Đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm trông giữ xe có thu tiền dịch vụ, các địa phương có trách nhiệm rà soát trên địa bàn quản lý thật tỉ mỉ các tuyến đường. Đặc biệt phải lấy ý kiến người dân có mặt tiền nhà trên tuyến đường đó. "Quan điểm là ưu tiên cho những hộ mặt tiền được thuê vỉa hè để sử dụng. Nếu người dân không đồng ý thì sẽ không cho thuê vỉa hè nhằm tránh xung đột lợi ích giữa 2 bên. Từng tuyến đường sẽ có phương án cho thuê cụ thể, chứ không làm đại trà, vội vã" - ông Đường nhấn mạnh. Theo ông Đường, nếu vỉa hè được cho thuê để tổ chức, cá nhân làm bãi giữ xe có thu phí dịch vụ, các địa phương sẽ lên phương án cụ thể, trên cơ sở đó tổ chức đấu giá bài bản, vì đây là tài sản công.
T.Hồng
Nhìn ra thế giới
Thủ đô Paris của Pháp từ lâu nổi tiếng với văn hóa quán cà phê. Trước dịch COVID-19, nơi này có khoảng 13.000 quán cà phê và nhà hàng vỉa hè. Hiện Paris có khoảng 4.000 không gian ngoài trời được cấp phép có trả phí. Mức giá tùy theo khu vực và địa hình, dao động từ 16 euro (17 USD)/m2 đến 88 euro/m2.
Ở Thái Lan, Cơ quan Quản lý đô thị Bangkok (BMA) hợp tác với các khu vực tư nhân, cung cấp khoảng không gian cố định cho những người bán hàng ăn tại các khu vực có nhu cầu ăn uống. Theo tờ Bangkok Post, BMA ấn định mức giá 150 baht/m2/ngày (gần 4,5 USD). Mức giá thuê quầy hàng cố định sẽ tăng lên 500 baht/m2/ngày (khoảng 15 USD) sau 2 tháng hoạt động, trong đó chưa bao gồm tiền điện và phí vệ sinh. Từ năm 2005, BMA quy định mỗi quầy hàng rong không được phép rộng quá 2 m hoặc cao quá 1,5 m. Các xe, quầy bán hàng phải ở cùng một phía, chừa khoảng trống có chiều rộng không dưới 1 m cho người đi bộ và chỉ được phép đặt tối đa 2 bộ bàn ăn.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, cuối năm ngoái, chính quyền TP Thượng Hải dỡ lệnh cấm bán hàng vỉa hè trong quy định sửa đổi liên quan đến cảnh quan đô thị. Theo tờ South China Morning Post, bán hàng rong trên đường bị cấm hoàn toàn tại nhiều thành phố vì mất vệ sinh và trật tự nhưng hiện nay Trung Quốc đang khuyến khích khôi phục loại hình kinh doanh này. Theo quy định mới của TP Thượng Hải, chính quyền các quận sẽ chỉ định một số khu vực công cộng, chẳng hạn khu vực cho người đi bộ, không gian bên ngoài các chợ thực phẩm để bán hàng tạm thời.
Theo GS Shi Lei tại Trường Kinh tế thuộc Trường ĐH Phúc Đán (Trung Quốc), việc kinh doanh trên vỉa hè là "tái sử dụng không gian" khi đêm xuống và giao thông đã vãn. Chuyên gia này cho rằng đó là vấn đề cấp bách giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế và kích thích tiêu dùng đối với mọi thành phố vào thời điểm hiện tại. Dù buôn bán vỉa hè không phải là yếu tố chính giúp tăng trưởng kinh tế nhưng lại giúp cải thiện thu nhập người dân, đặc biệt đối với những người bị giảm lương.
H.Bình - X.Mai
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-9