Thu phí trên đường cao tốc có gây phí chồng phí?

Bộ GTVT đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định quy định về việc thu phí trên đường cao tốc với mức thu thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 5.200 đồng/km.

Luật Đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-10-2024, quy định cho phép Nhà nước được thu phí với các phương tiện lưu thông trên cao tốc do nhà nước đầu tư để có nguồn vốn bảo trì và đầu tư các tuyến cao tốc mới.

Để tránh khoảng trống pháp lý khi luật có hiệu lực, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.

Mức phí cao nhất là 5.200 đồng/km

Theo Bộ GTVT, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc được tiến hành khi đảm bảo ba điều kiện. Ba điều kiện gồm: Công trình đường bộ cao tốc được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc; hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định; hoàn thành lắp đặt trạm thu phí, hệ thống phần mềm, thiết bị đảm bảo công tác vận hành, phục vụ việc thu phí.

Đối với đường cao tốc đưa vào khai thác trước ngày 1-1-2025 mà chưa đáp ứng quy chuẩn, tiêu chuẩn đường cao tốc thì việc thu phí được triển khai khi đã hoàn thành thi công và lắp đặt xong trạm thu phí cũng như hệ thống phần mềm phục vụ thu phí…

Bộ GTVT khẳng định, mức phí trên đường cao tốc sẽ góp phần tạo nguồn kinh phí để đầu tư phát triển hệ thống đường cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc. Số tiền thu được, sau khi trừ các chi phí tổ chức thu phí sẽ được nộp về ngân sách nhà nước và được sử dụng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Mức phí được đề xuất đã tính toán và phân tích lợi ích của của chủ phương tiện khi lưu thông trên các tuyến cao tốc đó. Đồng thời có tính đến chia sẻ lợi ích của người sử dụng đường cao tốc, mức chi phí tương đương với 50-70% lợi ích thu được khi sử dụng đường cao tốc.

Chiếu theo quy định trên, hiện có 11 dự án cao tốc do Nhà nước đầu tư đưa vào khai thác, sử dụng và có thể tiến hành thu phí được ngay vào cuối năm nay. Cụ thể, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ.

 Một số dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ thu phí trong năm nay. Ảnh: P.PHONG

Một số dự án thành phần thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ thu phí trong năm nay. Ảnh: P.PHONG

Về mức phí, Bộ GTVT xác định phải cơ bản bảo đảm nguyên tắc, xây dựng trên cơ sở pháp luật về phí và lệ phí. Mức thu sử dụng đường cao tốc phải khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan, tránh thu phí trùng phí. Mức thu đảm bảo hợp lý, hài hòa với mức thu dịch vụ sử dụng đường bộ và đường cao tốc do tư nhân đầu tư. Phí thu phải đảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đồng thời được tiếp cận trên cơ sở tính toán lợi ích của người sử dụng đường cao tốc.

Trên cơ sở đó, cơ quan soạn thảo đề xuất hai mức phí đối với các tuyến cao tốc được đầu tư đồng bộ theo quy chuẩn như sau. Mức 1, đường cao tốc đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định có giá thấp nhất là 1.300 đồng/km cao nhất là 5.200 đồng/km; mức 2, đường cao tốc đã đi vào vận hành nhưng chưa đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định có mức phí thấp nhất là 900 đồng/km, cao nhất là 3.600 đồng/km.

Như vậy, so với đề xuất trước đây của Cục Đường bộ, mức phí cao nhất được Bộ GTVT lấy ý kiến các bộ ngành đã giảm từ 6.000 đồng/km xuống 5.200 đồng/km.

Theo Bộ GTVT, đường bộ cao tốc được đầu tư với kinh phí lớn, chi phí quản lý, bảo trì cao hơn rất nhiều so với đường bộ thông thường. Song song đó, nhu cầu nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư mới và chi cho bảo trì các tuyến đường cao tốc rất lớn, trong khi đó ngân sách hiện nay đang khó khăn.

Vì vậy, Nhà nước tiến hành thu phí giúp ngân sách có thêm nguồn lực để tiếp tục tái đầu tư cao tốc, chi thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường cao tốc.

Nếu không thu phí…

Là chủ một doanh nghiệp vận tải phía Bắc, anh Nguyễn Văn Hùng, ngụ ở Hà Nội, khẳng định không phàn nàn việc đường cao tốc thu phí, nhưng Nhà nước phải đảm bảo quyền lựa chọn của người dân. Chẳng hạn, người dân đi lên đường cao tốc phải trả phí còn trên quốc lộ thì không, nếu như hiện nay sẽ xảy ra tình trạng xe đi tuyến nào cũng mất phí, bởi còn nhiều dự án BOT trên quốc lộ 1A.

“Hiện các doanh nghiệp vận tải đã gánh rất nhiều phí, kể cả phí bảo trì đường bộ. Nếu đường nào cũng mất phí thì rõ ràng xảy ra tình trạng phí chồng phí”- anh Hùng cho hay.

Còn anh Trần Văn Tâm, ngụ ở Hà Tĩnh, cho biết hiện từ Hà Tĩnh vào Quảng Trị theo tuyến quốc lộ 1 đang có ba trạm BOT. Nếu tới đây đường cao tốc thu phí người dân không có sự lựa chọn, tức đi đường nào cũng mất phí.

“Vì vậy, Nhà nước cần tính toán làm sao mức phí một trong hai tuyến phải thấp, hoặc một trong hai tuyến không được thu. Chẳng hạn như doanh nghiệp đang thu 4.000 đồng/km thì Nhà nước chỉ thu 500 đồng/km, hay doanh nghiệp thu thì nhà nước chờ đến khi họ hoàn vốn xong mới thu để người dân có sự lựa chọn. Còn hai tuyến đều thu cao sẽ gây khó khăn và vượt mức chi trả của dân…”- anh Tâm góp ý.

 Mức thu phí trên đường cao tốc do Bộ GTVT đề xuất. Ảnh: V.LONG

Mức thu phí trên đường cao tốc do Bộ GTVT đề xuất. Ảnh: V.LONG

Theo đại diện Bộ GTVT, nếu không thu phí trên các tuyến cao tốc sẽ khiến phương tiện lưu thông tăng cao. Nhiều phương tiện vi phạm đi vào làn dừng khẩn cấp, gây ra tình trạng phương tiện chuyển làn liên tục tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, làm giảm vận tốc trung bình lưu thông trên đường cao tốc, làm giảm hiệu quả khai thác đường cao tốc.

Vì vậy, Nhà nước thu tiền sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc là một trong các giải pháp để tăng cường công tác quản lý. Ngoài việc cân bằng lưu lượng xe lưu thông trên đường cao tốc và trên đường quốc lộ song hành, khi kết hợp với các giải pháp khác như kiểm soát tải trọng xe, giám sát và hạn chế các phương tiện xe thô sơ… sẽ giúp tăng hiệu quả khai thác của đường cao tốc…

 Hiện nay nhiều dự án cao tốc Nhà nước đầu tư chưa thu phí. Ảnh: V.LONG

Hiện nay nhiều dự án cao tốc Nhà nước đầu tư chưa thu phí. Ảnh: V.LONG

Về ý kiến cho rằng việc thu phí dẫn đến phí trùng phí, Bộ GTVT bác quan điểm này. Bởi lẽ, đường cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với tuyến đường quốc lộ song hành. Chủ phương tiện có quyền lựa chọn di chuyển trên quốc lộ hoặc trả tiền sử dụng đường cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ và lợi ích cao hơn.

Thêm vào đó, mức thu đường cao tốc được xác định với nguyên tắc phù hợp với chất lượng dịch vụ nhưng không vượt quá lợi ích thu được, khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc và khấu trừ các loại thuế, phí đã thu liên quan. “Vì thế Nhà nước thu phí không gây phí trùng phí…”- đại diện Bộ GTVT nhấn mạnh.

Lợi ích đường bộ cao tốc mang lại

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, đường cao tốc giúp xe lưu thông nhanh, qua đó tiết kiệm được thời gian và chi phí vận hành phương tiện. Chẳng hạn, 12 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư đưa vào khai thác thời gian qua cho thấy phương tiện được lợi bình quân 4.824 đồng/xe/km so với chạy trên tuyến quốc lộ song hành. Trong đó, 25% từ tiết kiệm chi phí vận hành phương tiện và 75% từ tiết kiệm thời gian hàng hóa và hành khách trên đường.

Loại phương tiện thu được lợi ích lớn nhất là xe khách từ 30 ghế trở lên với bình quân 14.132 đồng/xe/km, phương tiện thu được lợi ích thấp nhất là xe tải trên 2 tấn với lợi ích bình quân là 1.174 đồng/km. Lợi ích bình quân tính theo xe đơn vị là 2.616 đồng/xe con quy đổi/km.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-phi-tren-duong-cao-toc-co-gay-phi-chong-phi-post802972.html