Thu phí tự động không dừng: Nhà đầu tư không thể cung cấp đầy đủ hồ sơ gốc?

Từ ngày 1/1/2021, các trạm BOT trên cả nước đã triển khai thực hiện thu phí không dừng (ETC). Dù vậy đến nay, việc thanh quyết toán dự án vẫn chưa thể thực hiện do những trục trặc về hồ sơ, giấy tờ.

Không đầy đủ hồ sơ, quyết toán thế nào?

Việc tham gia thực hiện thu phí không dừng có 2 doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (thuộc Tasco) và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC).

Cụ thể, Công ty VETC thực hiện lắp đặt thu phí không dừng giai đoạn 1 (dự án BOO1) trên 56 trạm thu phí và Công ty VDTC thực hiện giai đoạn 2 (dự án BOO2) lắp đặt trên 35 trạm BOT.

Đến hiện tại, tất cả các trạm BOT thực hiện theo dự án BOO1 và BOO 2 đều đã đưa vào vận hành, dù vẫn còn một số trục trặc về mặt kỹ thuật như xe dán thẻ còn tiền nhưng qua trạm thu phí lại không được nhận diện đang được các bên khắc phục. Mới đây nhất, Bộ GTVT cũng đã có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan nêu giải pháp để tháo gỡ khó khăn.

Dù vậy, một vướng mắc mà khiến đến nay, cả dự án BOO1 và BOO2 vẫn chưa thể triển khai thủ tục thanh quyết toán do vướng mắc về giấy tờ, thủ tục.

Ngày 27/5/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã có quyết định kiểm tra việc triển khai thực hiện dự án thu phí dịch vụ đường bộ tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 (BOO1) và giai đoạn 2 (BOO2).

Để phục vụ cho công tác thanh tra Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Công ty VETC và VDTC cung cấp hồ sơ, tư liệu để có thể quyết toán dự án sau thanh tra.

Dán thẻ thu phí tự động không dừng

Dán thẻ thu phí tự động không dừng

Nhưng sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT ngày 23/9/2021 về việc tăng cường công tác quản lý dự án thu phí sử dụng đường bộ không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có các văn bản gửi Công ty VETC và VDTC vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2021 đề nghị cung cấp hồ sơ nhập khẩu, hóa đơn tài chính nhập khẩu thiết bị thuộc dự án BOO1 và BOO2 để rà soát, xác định thời điểm, chủng loại, xuất xứ, giá nhập khẩu thiết bị làm căn cứ quyết toán dự án đúng quy định.

Dù vậy, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, ngày 1/1/2021, Công ty VETC có văn bản báo cáo đã cung cấp đầy đủ bộ chứng từ gồm Chứng chỉ xuất xứ nguồn gốc hàng hóa do nước sản xuất cung cấp (CO), bản kiểm định chất lượng hàng hóa do nhà sản xuất cung cấp (CQ), hợp đồng mua sắm và hóa đơn tài chính hợp lệ theo quy định.

“Công ty VETC đã yêu cầu các đại lý, nhà tích hợp, nhà nhập khẩu cung cấp hơn đơn tài chính nhập khẩu gốc, tuy nhiên không được đáp ứng”- văn bản của Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT nêu.

Còn ngày 4/11/2021, Công ty VDTC có văn bản báo cáo đã cung cấp toàn bộ hợp đồng, phụ lục hợp đồng ký kết với các nhà thầu cung cấp thiết bị; toàn bộ hồ sơ kỹ thuật thiết bị bao gồm CO, CQ và Công ty VDTC là đơn vị sử dụng cuối cùng, không phải đơn vị nhập khẩu trực tiếp hàng hóa, thiết bị từ các hãng nước ngoài nên không thể có hồ sơ nhập khẩu thiết bị, hóa đơn tài chính nhập khẩu từng loại thiết bị như yêu cầu.

“Như vậy, Công ty VETC và VDTC không thể cung cấp hồ sơ thiết bị, hóa đơn tài chính nhập khẩu từng loại thiết bị của dự án BOO1 và BOO2 theo nội dung yêu cầu của Bộ GTVT tại văn bản số 9949/BGTVT-TTr ngày 23/9/2021”- văn bản của Tổng cục Đường bộ nêu.

Vênh nhau?

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về việc này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, hiện Thanh tra Bộ GTVT đang triển khai thanh tra về dự án thu phí không dừng nên không thể cung cấp gì thêm.

Còn ông Bùi Trình, Tổng Giám đốc Công ty VDTC thì khẳng định, việc này VDTC đã nhiều lần có báo cáo giải trình với Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhưng không được lắng nghe.

“Trong quá trình nghiệm thu đưa vào sử dụng hệ thống, Công ty VDTC đã cung cấp các tài liệu theo đúng quy định”- ông Trình khẳng định.

Theo lý giải của ông Bùi Trình, theo điểm b khoản 1 Điều 24 hợp đồng BOO2 và các hợp đồng mua sắm thiết bị với nhà thầu mà VDTC đã ký kết quy định: “Thiết bị thuộc hệ thống thu phí ETC phải mới nguyên 100% chưa qua sử dụng. Khi nhận bàn giao từ các nhà cung cấp, cá thiết bị phải còn nguyên đai, nguyên kiện và được sản xuất/bàn giao theo đúng số lượng, thông số kỹ thuật theo các quy định trong hợp đồng mua sắm thiết bị.

Thiết bị (trừ vật tư, phụ kiện) được giao phải kèm theo đầy đủ bộ chứng từ như: CO, CQ; bản kiểm định hoạc giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa do nhà sản xuất cung cấp, catalog hàng hóa, sách nướng dẫn sử dụng…”.

“Căn cứ nội dung trên, VDTC là đơn vị sử dụng cuối cùng nên không thể có hồ sơ nhập khẩu thiết bị, hóa đơn tài chính nhập khẩu từng loại thiết bị như yêu cầu”- ông Bùi Trình cho hay.

Còn phía Công ty VETC, nhiều lần phóng viên liên hệ làm việc với ông Phạm Đức Minh, Tổng Giám đốc nhưng chưa nhận được hồi âm.

Thu phí không dừng là một chủ trương đúng đắn nhằm tiến tới áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực đường bộ và thu phí, tạo sự minh bạch. Chính phủ đã ráo riết chỉ đạo thực hiện thu phí ETC từ những ngày đầu triển khai cho đến nay.

Thực tế, việc triển khai còn gặp phải một số vướng mắc như tỷ lệ phương tiện sử dụng chưa lớn; hệ thống còn một số trục trặc khi sử dụng và nay, lại phát sinh vấn đề hồ sơ giấy tờ không đầy đủ theo yêu cầu để quyết toán dự án, dư luận băn khoăn liệu công tác thu phí ETC có tiếp tục được triển khai thuận lợi trong giai đoạn tới hay không?

Ngân Tuyền

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-nha-dau-tu-khong-the-cung-cap-day-du-ho-so-goc-post491904.antd