Thu phí vào nội đô: Vừa giảm ùn tắc, vừa giảm ô nhiễm

Việc thu phí không nhằm tăng ngân sách mà chủ yếu hạn chế những chuyến đi không cần thiết vào khu vực nội đô. Nếu chủ trương này được triển khai, sẽ chỉ có một lượng nhỏ người sử dụng xe cá nhân chịu ảnh hưởng song lợi ích đem đến sẽ là ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đều giảm và đại bộ phận người dân Thủ đô chính là những người được hưởng lợi. Đó là khẳng định của lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng như một số chuyên gia xung quanh Đề án thu phí vào nội đô mà thành phố Hà Nội đang nghiên cứu.

Ùn tắc trên đường Trường Chinh giờ cao điểm (ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19). Ảnh: Ngô Nhung

Ùn tắc trên đường Trường Chinh giờ cao điểm (ảnh chụp trước thời điểm có dịch Covid-19). Ảnh: Ngô Nhung

Không làm gia tăng chi phí vận tải

Vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến phản ứng mạnh mẽ về dự thảo Đề án thu phí vào nội đô mà Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cùng đơn vị tư vấn đang nghiên cứu. Một số ý kiến cho rằng việc thu phí này sẽ khiến “phí chồng phí” và gia tăng chi phí vận tải, dẫn tới người dân càng thêm khó khăn. Trước những phản ứng từ dư luận, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Vũ Văn Viện đã chủ trì tổ chức cuộc trao đổi với báo chí nhằm làm rõ những vấn đề mà dư luận đang băn khoăn.

Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, thu phí vào nội đô là một trong 37 nhiệm vụ/giải pháp đồng bộ chống ùn tắc kết hợp các biện pháp hành chính và kinh tế nằm trong Đề án: “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” đã được HĐND thành phố Hà Nội thông qua tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện nghị quyết, thành phố đã triển khai 28/37 nhiệm vụ, giải pháp. Kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung đầu tư theo quy hoạch, tỷ lệ đất dành cho giao thông tăng lên. Vận tải hành khách công cộng được mở rộng và ngày càng nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt vào giờ cao điểm và các dịp lễ, Tết. Vì vậy, việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân là hết sức cần thiết.

“Việc thu phí này không nhằm mục đích tăng ngân sách mà mục tiêu chính là để hạn chế những chuyến đi không cần thiết từ khu vực ngoài Vành đai 3 vào trung tâm, qua đó hạn chế ùn tắc giao thông. Mức phí được nghiên cứu đủ để tác động đến việc lựa chọn phương tiện, hành trình đi lại của người dân. Theo tính toán, nếu đề án này được thực thi sẽ giảm khoảng 20% lượng phương tiện đi vào khu vực trung tâm. Qua rà soát, loại phí này không trùng với bất cứ loại phí nào và trong các đối tượng thu phí không có xe tải vận chuyển hàng hóa nên sẽ không làm gia tăng chi phí vận tải” - ông Vũ Văn Viện giải thích.

Theo đề án mà Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cùng đơn vị tư vấn đưa ra, sẽ có 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành. Các vị trí lập trạm thu phí hầu hết ở khu vực cửa ngõ vào trung tâm thành phố. Ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường Vành đai 3 đã được khép kín. Hình thức đầu tư do ngân sách thành phố đầu tư và hình thức đối tác công tư. Công nghệ thu phí được dự kiến là công nghệ thu phí không dừng, kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID. Trên cơ sở tuyến đường khép kín khu vực nội đô đã được xác định, tư vấn đưa ra 68 vị trí để lập tổng cộng 87 trạm thu phí phương tiện từ bên ngoài vào nội thành.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận

Bên cạnh những ý kiến lo ngại về tính khả thi của đề án, cũng có không ít người dân bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của thành phố, song kiến nghị cần có cách thức thông tin tuyên truyền phù hợp hơn nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Ông Phạm Dũng (phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, nếu phương tiện giao thông cá nhân vẫn gia tăng với tốc độ chóng mặt như hiện nay mà không có những giải pháp quản lý hiệu quả thì thành phố dù có đầu tư thêm bao nhiêu tuyến đường, cây cầu, xén bớt vỉa hè để mở rộng mặt đường cũng vẫn không đủ, ùn tắc vẫn sẽ diễn biến ngày càng phức tạp hơn. “Tôi cho rằng chủ trương thu phí vào nội đô là đúng đắn nhưng do công tác tuyên truyền của các cơ quan chức năng liên quan chưa cụ thể; các giải pháp, đối tượng thu phí cũng như lộ trình thực hiện được đưa ra cho dư luận chưa đầy đủ dẫn tới không ít người cho rằng cứ di chuyển vào khu vực nội đô là mất phí, từ đó có phản ứng gay gắt” - ông Phạm Dũng bày tỏ.

Là người có nhiều năm nghiên cứu về công tác tổ chức giao thông của Thủ đô, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội Nguyễn Xuân Tân chỉ rõ, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng nhanh chóng, cộng với sự phân bố dân cư bất hợp lý. Việc triển khai Đề án thu phí vào nội đô theo Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND cho đến nay có thể đánh giá là chậm.

Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân hiện ở mức 12,6%/năm. Toàn thành phố hiện có khoảng 174.000 ô tô, nhưng trong khu vực nội đô, diện tích đất dành cho giao thông sau nhiều năm nỗ lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chỉ dao động ở mức 8%. Đây là con số rất khiêm tốn. Trong khi đó, phân bố dân cư vẫn tập trung từ Vành đai 3 trở vào và một số khu vực của quận Hà Đông và Cầu Giấy... Càng ùn tắc thì càng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của nhân dân. “Chưa thể khẳng định thu phí phương tiện vào nội đô có thể giảm ngay ùn tắc mà phải kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác. Tuy nhiên, thu phí vào nội đô phải là điểm đột phá và cần được triển khai sớm. Chỉ có khoảng 15 - 20% người sử dụng phương tiện ô tô cá nhân chịu tác động nhưng toàn bộ người dân Thủ đô sẽ được hưởng lợi từ chủ trương này. Do đó, cùng với quyết tâm, các cơ quan chức năng của thành phố cần lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc ý kiến tâm huyết của các chuyên gia và nhân dân trên tinh thần “Vì Thủ đô xanh - sạch - đẹp - văn minh” - ông Nguyễn Xuân Tân kiến nghị.

Có thể khẳng định, thu phí vào nội đô, trong đó tập trung vào đối tượng xe ô tô cá nhân nhằm hạn chế những chuyến đi không cần thiết, qua đó góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là một chủ trương đúng đắn. Đây là giải pháp tất yếu mà các đô thị lớn trên thế giới đều đã thực hiện. Tuy nhiên, với đặc thù của Hà Nội, để dự án tạo được sự đồng thuận của nhân dân, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền, các cơ quan chức năng của thành phố cần sớm đưa được lộ trình thực hiện phù hợp với các giải pháp khả thi. Cùng với đó là đẩy mạnh tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch, từng bước nâng tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng lên mức 30 - 35% (tức tăng gấp đôi so với hiện nay). Sẽ mất khoảng 3 - 5 năm chuẩn bị thật kỹ lưỡng để khi các điều kiện thực sự chín muồi, việc thu phí vào nội đô sẽ không vấp phải phản ứng từ một bộ phận nhân dân như hiện nay.

Các phương tiện được giảm phí gồm xe ô tô kinh doanh vận tải (xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe tuyến cố định, xe tải các loại), xe ô tô dưới 9 chỗ của người dân trong khu vực, xe ô tô của cơ quan công sở trong khu vực sẽ được miễn phí một số lượt nhất định, ngoài số đó sẽ phải trả phí bình thường.

Đối tượng miễn phí là xe ưu tiên theo quy định hiện hành bao gồm các loại xe: Cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa, quân đội, công vụ, buýt công cộng...

Tuấn Lương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1020116/thu-phi-vao-noi-do-vua-giam-un-tac-vua-giam-o-nhiem