'Thủ phủ' bánh đa xứ Thanh vào mùa

Cận tết, ở 'thủ phủ' bánh đa (bánh tráng) Tân Châu lúc nào cũng tấp nập và nhộn nhịp, bởi làng nghề đây đang hối hả tráng bánh, tăng sản lượng cho kịp các đơn hàng.

Bánh đa sau khi tráng được phơi khô khắp làng nghề

Bánh đa sau khi tráng được phơi khô khắp làng nghề

Làng nghề bánh đa Đắc Châu, xã Tân Châu (trước đây là xã Thiệu Châu nay sáp nhập thêm địa giới hành chính gọi là Tân Châu), huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã có từ bao đời nay. Người dân nơi đây làm quanh năm, nhưng 3 tháng cuối năm thì sẽ tất bật hơn với nhiều đơn hàng phục vụ cho Tết.

Họ ăn ngủ cùng với nghề, chạy đua với thời gian, thậm chí thuê thêm lao động để làm được thật nhiều sản phẩm để phục vụ khách hàng. Mặc dù làm với số lượng nhiều, nhưng bà con làng nghề không bao giờ chạy theo số lượng mà dẫn đến làm ẩu, ra những loạt bánh kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín cũng như niềm tin của khách hàng mà khả năng làm được đến đâu mới dám nhận đến đó.

Trung bình mỗi ngày một người làm ra gần 2 nghìn chiếc bánh

Trung bình mỗi ngày một người làm ra gần 2 nghìn chiếc bánh

Bánh đa truyền thống Tân Châu, huyện Thiệu Hóa luôn được ưa chuộng bởi độ ngon, thơm và giòn. Chiếc bánh đa đạt chất lượng đòi hỏi người làm bánh phải có kinh nghiệm từ khâu chọn nguyên liệu đến công đoạn tráng bánh.

Nguyên liệu chính để làm bánh đa bao gồm gạo tẻ và vừng. Gạo để làm bánh thường dùng là loại ít dẻo, sau khi lấy về được đem đi ngâm nước khoảng 30 phút đến 1 giờ, sau đó vớt ra rồi xay thành bột gạo nước. Bột gạo được đưa vào nồi tráng thành bánh. Đây là công đoạn quan trọng, bột phải được dàn đều để bánh có độ dày vừa phải. Khi bột đã chín là công đoạn rắc vừng lên trên mặt bánh. Các công đoạn đều phải làm nhanh, đều tay để ra chiếc bánh có mùi thơm và bùi nhất vùng.

Người dân có thu nhập ổn định nhờ vào nghề truyền thống làm bánh

Người dân có thu nhập ổn định nhờ vào nghề truyền thống làm bánh

Để có những sản phẩm bánh tráng cung ứng thị trường, các hộ gia đình phải dậy từ rất sớm. Ai cũng tất bật, người thì tráng bánh, người khác đem đi phơi, người kia thì đóng gói sản phẩm. Trung bình, một hộ sản xuất theo phương thức truyền thống có thể tráng từ 2.000 – 4.000 bánh tráng/ngày. Mỗi chiếc bánh sau khi nướng có giá bán từ 7.000 đến 10.000 đồng (tùy vào loại dày hay mỏng, to hay nhỏ). Bánh đa chưa nướng có giá bán từ 5.000 đến 7.000 đồng.

Xã Tân Châu có gần 300 hộ dân sản xuất bánh tráng truyền thống, sản phẩm chủ yếu là các loại bánh đa và bánh đa cuốn nem. Nhờ làm bánh mà người dân địa phương có thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Thành Phan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/kinh-doanh/thu-phu-banh-da-xu-thanh-vao-mua-499222.html