Thủ phủ chăn nuôi vẫn chưa dám tái đàn
Sụt giảm mạnh về tổng đàn do bị dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - 'thủ phủ' chăn nuôi khu vực miền Đông Nam Bộ vẫn băn khoăn chuyện tái đàn. Bởi có quá nhiều nỗi lo…
Tổng đàn lợn giảm mạnh
Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, tổng đàn lợn đã giảm 36,51% so với tháng 4/2019. Tính đến ngày 19/8, “thủ phủ” chăn nuôi heo Đồng Nai đã tiêu hủy hơn 300.000 con với tổng số hộ có heo mắc dịch bệnh là 3.000 hộ thuộc các huyện như: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Long Thành, Thống Nhất, Tân Phú, Xuân Lộc,… Hiện tổng đàn lợn của tỉnh chỉ còn khoảng 1,5 triệu con, giảm 49% so với tháng 4 – năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Trước tình trạng tổng đàn lợn của tỉnh sụt giảm mạnh, ông Dương Minh Dũng - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai lo ngại thiếu nguồn cung thịt heo trong thời gian tới, đồng thời dự báo giá mặt hàng này sẽ tăng dịp cuối năm. Sở Công thương đang chỉ đạo để doanh nghiệp lên kế hoạch phù hợp nhằm điều tiết thị trường cung cầu tốt hơn.
Mặc dù được dự báo là nguồn cung khan hiếm và tăng giá dịp cuối năm, tuy nhiên nhiều chủ trang trại không mặn mà với thông tin trên. Hầu hết các hộ chăn nuôi không có ý định tái đàn trong thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Tiến, chủ trang trại chăn nuôi heo tại Hưng Lộc,Thống Nhất, Đồng Nai chia sẻ: “Giữ và phát triển đàn heo trong thời gian qua đã chật vật lắm rồi, giờ vừa nuôi vừa canh dịch thì ai dám tái đàn nữa”. Bà Nguyễn Mai Hoa, chủ trang trại heo tại Gia Kiệm, Thống Nhất phân trần: “Hàng mấy chục năm trong nghề nuôi heo, vừa qua đàn heo mắc dịch khiến gia đình lao đao, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Biết là nguồn cung lợn đang khan hiếm nhưng vẫn sợ tái đàn rồi lại bị dịch càn quét, lúc đó có cầm cố cả nhà cũng chẳng đủ tiền trả nợ”.
Liên quan đến việc tăng đàn, tái đàn heo trên địa bàn tỉnh, mới đây, tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai với các sở ngành, địa phương, các doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn cho biết, hiện đa số doanh nghiệp trong ngành đều giảm đàn hoặc chưa có kế hoạch mở rộng đầu tư vì dịch vẫn còn lây lan nhanh. Hiện doanh nghiệp rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn các trại heo giống để tiếp tục tái đàn, mở rộng đầu tư trong giai đoạn hậu dịch bệnh.
Không vội tái đàn
Trước thực tế dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên diện rộng và diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài làm giảm nguồn cung thịt vào dịp cuối năm, lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, vì chưa có vắcxin phòng dịch nên nếu muốn tái đàn cần tập trung đảm bảo biện pháp an toàn sinh học. Tái đàn ồ ạt mà không phòng dịch tốt sẽ thiệt hại lớn về kinh tế. Thời gian qua các hộ có lợn mắc dịch chủ yếu do không đáp ứng điều kiện an toàn sinh học trong chăn nuôi.
Nói về kế hoạch tái đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh mong muốn, doanh nghiệp tham gia tăng đàn, tái đàn để bảo đảm nguồn cung cho thị trường cuối năm. Tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người chăn nuôi tăng đàn, tái đàn lợn. Tuy nhiên, bên cạnh việc tái đàn lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu các chủ hộ chăn nuôi phải đảm bảo an toàn sinh học, không nằm trong vùng dịch, ở xa khu dân cư,…
Toàn tỉnh Đồng Nai có 4.480 hộ chăn nuôi bị dịch tả châu Phi, trong đó có 1.351 hộ chăn nuôi bị thiệt hại đã nhận hỗ trợ với tổng số tiền gần 202 tỷ đồng, đạt 37% tổng số tiền hỗ trợ cho các hộ bị thiệt hại.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/thu-phu-chan-nuoi-van-chua-dam-tai-dan-tintuc448332