'Thủ phủ' máy móc nông nghiệp của Bình Giang giờ ra sao?
Làng nghề cơ khí Tráng Liệt ở xã Tráng Liệt (cũ), nay là thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) từng phát triển hưng thịnh, được ví là 'thủ phủ' máy móc nông nghiệp ở Hải Dương. Cùng với sự phát triển của xã hội, các cơ sở hiện đã có sự thay đổi để thích ứng thị trường.
Thăng trầm
Dù năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng hằng ngày ông Phạm Văn Đình ở khu Thượng, thị trấn Kẻ Sặt vẫn chăm chỉ làm việc cho xưởng cơ khí của gia đình. Ông đã truyền nghề cho 2 người con trai. Gắn bó với nghề cơ khí gần 35 năm, ông Đình đã chứng kiến biết bao thăng trầm, đổi thay của làng nghề. Trước đây, việc học nghề chỉ đơn giản là truyền dạy, “cầm tay chỉ việc” cho nhau, máy móc còn thô sơ, dùng sức người là chủ yếu. Để làm được nghề, người thợ phải học hỏi trong thời gian dài tính bằng năm, nếu để thành thợ giỏi thì còn lâu hơn nữa. Dần dần trong quá trình phát triển, máy móc thô sơ được thay thế bằng nhiều loại bán tự động, tự động từng bước hỗ trợ, thay thế con người trong quá trình sản xuất, giúp giảm nhân công lao động. Sản phẩm của làng nghề ngày càng có độ chính xác cao và tinh xảo hơn. Nghề cơ khí không chỉ thu hút người lao động ở địa phương mà còn có ở các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh… Người dân địa phương cũng tích cực mở rộng cơ sở sản xuất ở các địa bàn xã, huyện khác. Theo nhận định của ông Đình, càng ngày máy móc nông nghiệp càng đa dạng, hiện đại, đòi hỏi các cơ sở cũng phải có những thay đổi phù hợp. Không đơn thuần chỉ sản xuất mà phải biết thị trường cần gì để có thể cung cấp, đáp ứng khách hàng.
Nghề cơ khí đã gắn bó với người Tráng Liệt từ sau năm 1975, các sản phẩm chủ yếu là phụ tùng máy nông nghiệp, máy xay xát, máy đập tuốt lúa, máy cày, máy phay đất. Sản phẩm cơ khí của Tráng Liệt có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 2004, làng nghề cơ khí Tráng Liệt được UBND tỉnh công nhận là làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Hằng năm, doanh thu của làng nghề đạt trên 53 tỷ đồng.
Cơ sở sản xuất của chị Phạm Thị Thu Hằng chuyên sản xuất thiết bị sàng (một bộ phận của nhiều loại máy móc nông nghiệp như máy nghiền, xay xát), quy mô hơn 1.000 m2. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho thị trường các tỉnh Sơn La, Lai Châu. Chị Hằng cho biết: "Cách đây 6-7 năm vào thời điểm sôi động, mỗi tháng, xưởng sản xuất của chúng tôi có thể cung cấp từ 6-7 tấn sản phẩm. Tuy nhiên, hiện nay sản lượng cung ứng ra thị trường đã giảm nhiều. Hiện mỗi tháng, chúng tôi cung cấp từ 2-3 tấn sản phẩm ra thị trường. Nghề cơ khí đã giúp gia đình tôi có kinh tế ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho 3-4 lao động".
Cơ sở sản xuất Đồng Tiến đã hoạt động hơn 20 năm nay, chuyên sản xuất phụ tùng máy móc nông nghiệp, sản xuất máy xay xát, lồng cày, bừa, chủ yếu cung cấp cho một số tỉnh miền núi phía Bắc. Theo chủ cơ sở này thì hiện nay, các cơ sở sản xuất máy móc cơ khí vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn do máy móc thiết bị hạn chế, số lượng lao động ít, hầu hết là làm cơ khí gia công và chỉ sản xuất những sản phẩm, thiết bị đơn giản. Trước những thay đổi của thị trường, lượng sản phẩm của cơ sở cũng bị giảm. Tuy nhiên, chủ cơ sở này chưa nghĩ đến việc thay đổi sản phẩm, đầu tư thêm thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ hay mở rộng quy mô bởi đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư.
Nhanh nhạy nắm bắt thị trường
Trong khi các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ đang bị thu hẹp thị trường thì nhiều doanh nghiệp vẫn "sống khỏe". Những doanh nghiệp này chủ động tìm hướng đi mới, chịu đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định uy tín trên thị trường.
Vốn là người thợ cơ khí, anh Phạm Tuấn Anh đã từng học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, rồi về thành lập mô hình sản xuất theo hộ kinh doanh cá thể. Sau đó, anh đã chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh sang thành lập Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Thương mại Việt Mỹ. Công ty chuyên sản xuất và cung cấp các sản phẩm máy móc và thiết bị nông nghiệp. Sản phẩm nổi bật gồm thùng thổi trấu, máy chà bóng gạo, máy xay xát. Ngoài ra công ty còn cung cấp các phụ tùng như dao xoắn, trục chính máy chà… Công ty không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm với các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, có chi phí hợp lý để đáp ứng những yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng. Công ty đã dành kinh phí để đầu tư máy dập, máy ép, máy CNC. Vì thế, sản phẩm có độ chính xác cao, sắc nét, hầu như không có lỗi, hỏng. Mỗi tháng, doanh nghiệp này cung cấp ra thị trường từ 200-300 máy thổi trấu, 300 máy chà bóng gạo, 15-20 tấn phụ tùng. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp đặt đại lý bán hàng ở nhiều vùng miền trên cả nước.
Công ty TNHH một thành viên Điện cơ Trần Hưng Đạo chuyên sản xuất, kinh doanh máy nông, lâm, ngư nghiệp, máy bơm nước, máy nén khí, động cơ điện, mô tơ, máy bơm nước. Công ty không ngừng nâng cao chất lượng, sáng tạo về mẫu mã, tăng cường tiếp thị sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, trên máy CNC, tự động hóa. Trung bình một năm, công ty này sản xuất 15.000 mô tơ…
Theo báo cáo của thị trấn Kẻ Sặt, hiện nay cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn thị trấn có 16 cơ sở sản xuất (gồm 13 doanh nghiệp, 3 hộ gia đình). Các cơ sở này chủ yếu sản xuất, kinh doanh, gia công cơ khí, khung nhà... Trải qua thời gian, cùng sự năng động, sáng tạo, khả năng thích ứng thị trường, các cơ sở đã giúp làng nghề cơ khí giữ vững và phát triển sản xuất.