Thủ phủ thuốc lá điện tử Thâm Quyến lao đao vì lệnh cấm của chính phủ

Thâm Quyến, nơi tập trung hàng trăm nhà máy và doanh nghiệp kinh doanh thuốc lá điện tử, đang bị ảnh hưởng nặng nề sau lệnh cấm buôn bán trực tuyến của chính phủ Trung Quốc.

Buôn bán thuốc lá điện tử trực tuyến trở thành ngành công nghiệp đầy hứa hẹn khi Edwin Wong dấn thân vào lĩnh vực này cách đây một năm.

Doanh nhân 34 tuổi đã nghiên cứu thị trường và các sản phẩm ở Thâm Quyến từ năm 2012, và nhận thấy cơ hội không thể bỏ qua. Wong xây dựng được thương hiệu với 600 khách hàng thân thiết và công việc kinh doanh đang tiến triển thuận lợi.

Nhưng chỉ sau một đêm, tất cả thay đổi. Khoản đầu tư trị giá 2,2 triệu nhân dân tệ của Wong vào công ty khởi nghiệp thuốc lá điện tử KiwiPod cũng bốc hơi.

Công nhân thử nghiệm sản phẩm trong một nhà máy sản xuất thuốc lá điện tử ở Thâm Quyến. Ảnh: Getty.

Công nhân thử nghiệm sản phẩm trong một nhà máy sản xuất thuốc lá điện tử ở Thâm Quyến. Ảnh: Getty.

Cả thành phố hoang mang

"Rất nhiều người lao vào kinh doanh mà chẳng biết gì về lĩnh vực này, họ cứ ném tiền vào đây. Ai cũng cho rằng đây là ngành tiềm năng và đầy lợi nhuận, và bây giờ thì họ biến mất", Wong chia sẻ.

Tìm kiếm sản phẩm thuốc lá điện tử trên các sàn thương mại điện tử Trung Quốc như Taobao hay JD.com đều không cho kết quả nào, mặc dù trước đây sẽ có hàng nghìn lựa chọn. Cứ như thể là những cửa hàng online đó chưa từng tồn tại. Có tin đồn về việc ít nhất hai chủ shop bán sản phẩm này đã tự tử vì mô hình kinh doanh sụp đổ.

7/11 là ngày mà mọi thứ thay đổi. Cơ quan chức năng Trung Quốc đột ngột ban hành lệnh cấm hoàn toàn đối với việc mua bán trực tuyến các sản phẩm thuốc lá điện tử, nguyên nhân là bảo vệ trẻ em khỏi sự độc hại của việc hút thuốc. Lệnh cấm đưa ra 4 ngày trước ngày mua sắm lớn nhất năm ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trung Quốc là nước sản xuất và xuất khẩu thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới, theo số liệu của Phòng Thương mại Thuốc lá điện tử nước này. Trong năm 2018, hơn 2 triệu người hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này, với doanh số hàng năm lên tới 33,7 tỷ nhân dân (4,7 tỷ USD) tệ và giá trị xuất khẩu lên tới 28,7 tỷ nhân dân tệ (4,08 tỷ USD).

90% chuỗi cung ứng ngành sản xuất thuốc lá điện tử của thế giới nằm ở Thâm Quyến và thành phố này được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp, với 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Hàng nghìn nhà máy và chuỗi cung ứng cũng nằm ở tỉnh Quảng Đông.

Tuy nhiên, tất cả đều lao đao sau khi xuất hiện 39 trường hợp tử vong liên quan đến vaping tại Mỹ. Trung tâm Kiểm soát Bệnh dịch Mỹ cho rằng nguyên nhân của những cái chết này đến từ chất vitamin E acetate có trong một số dung dịch vaping, và xác định hầu hết nạn nhân sử dụng dung dịch có tinh dầu THC - hợp chất chính của cây cần sa.

Một người sử dụng thuốc lá điện tử trên phố Broadway, New York. Hội đồng thành phố đã đề xuất lệnh cấm buôn bán các loại thuốc lá điện tử có hương vị. Ảnh: Reuters.

Một người sử dụng thuốc lá điện tử trên phố Broadway, New York. Hội đồng thành phố đã đề xuất lệnh cấm buôn bán các loại thuốc lá điện tử có hương vị. Ảnh: Reuters.

Thị trường thuốc lá điện tử ở Mỹ đã sụt giảm 25%, giữa những dự đoán rằng cơ quan chức năng sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn ngành công nghiệp này. Các nhà lập pháp New York đã bỏ phiếu cấm buôn bán thuốc lá điện tử có hương vị, lệnh cấm dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020.

Tương lai bất định

Tại Thâm Quyến, các doanh nghiệp lớn không bị ảnh hưởng nặng nề như những cửa hàng nhỏ, nhưng tất cả đều đang hồi hộp chờ đợi quyết định của cơ quan chức năng Mỹ, nơi có thị trường thuốc lá điện tử lớn nhất thế giới.

"Chúng tôi đang đầu tư vào công ty của mình và chờ đợi các quy định của Mỹ", ông Xiang Jie, phó giám đốc Teslacigs, một công ty sản xuất thuốc lá điện tử ở Thâm Quyến, chia sẻ với Guardian.

"Dù có sự kiểm soát ở Trung Quốc, trong tương lai đây vẫn sẽ là thị trường lớn nhất thế giới, và các thị trường khác cũng đang tăng trưởng, như Đông Nam Á hay Trung Đông", ông Xiang cho biết.

Qasim Shah là nhà đồng sáng lập của STIG International và giúp xây dựng một doanh nghiệp trị giá hàng triệu USD ở Thâm Quyến trong thập kỷ qua.

Công ty của ông hiện cho ra lò 4,5 đến 6 triệu thiết bị vaping mỗi tháng, hầu hết phục vụ thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Cũng giống như các công ty thuốc lá điện tử khác, ông Shah đang chờ xem chính sách ở Mỹ và Trung Quốc sẽ được thực thi như thế nào.

"Không có sự rõ ràng trong các quy định kiểm soát. Mọi người đều biết là họ sẽ phải tuân thủ những điều chính phủ yêu cầu. Bạn phải làm quen với điều đó và sẽ có những con đường khác mở ra ở thị trường", ông Shah nhận định.

Bruce Du là nhà phân phối của 10 thương hiệu thuốc lá điện tử. Anh cho biết những dao động của thị trường là kết quả của nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách của Mỹ và Trung Quốc, căng thẳng thương mại giữa hai nước, và đặc biệt là tầm ảnh hưởng của các công ty thuốc lá truyền thống Trung Quốc.

Thâm Quyến là nơi đặt 90% chuỗi cung ứng của ngành sản xuất thuốc lá điện tử trên toàn thế giới. Ảnh: STIG.

Thâm Quyến là nơi đặt 90% chuỗi cung ứng của ngành sản xuất thuốc lá điện tử trên toàn thế giới. Ảnh: STIG.

"Tôi đã nghĩ đến việc rời khỏi ngành này vì có quá nhiều vấn đề. Theo tôi thì Tập đoàn Thuốc lá Trung Quốc đang cố gắng để hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp thuốc lá điện tử, vì khi chúng tôi tăng trưởng nhanh, thị trường và lợi nhuận của thuốc lá truyền thống sẽ giảm", ông Du chia sẻ.

Tuy nhiên, Giám đốc chi nhánh Thâm Quyến của Phòng Thương mại Thuốc lá Điện tử Trung Quốc, ông Ao Weinuo, lại tỏ ra lạc quan về thị trường.

"Thuốc lá điện tử đã tạo ra lo ngại ở Mỹ và Trung Quốc, có rất nhiều thông tin tiêu cực từ truyền thông, nhưng tôi nghĩ đây là xu hướng không thể ngăn cản, miễn là chúng tôi giải quyết được vấn đề về thuế, chất lượng sản phẩm và sự an toàn sức khỏe cũng như các biện pháp bảo vệ trẻ em", ông Ao nhận định.

Sơn Trần
Theo Guardian

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thu-phu-thuoc-la-dien-tu-tham-quyen-lao-dao-vi-lenh-cam-cua-chinh-phu-post1019962.html