'Thủ phủ' tôm hùm Phú Yên đối mặt với nỗi lo mưa bão
Mỗi mùa mưa bão, người nuôi tôm hùm lồng tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lại lo lắng bảo vệ các lồng tôm. Việc phòng tránh và bảo vệ cho hàng chục ngàn lồng nuôi tôm hùm trên biển đang là nỗi trăn trở của người nuôi. Miền Trung chuẩn bị đối mặt với đợt mưa đặc biệt lớn. Người nuôi tôm hùm lồng tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên càng thêm lo ngại.
Thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên được mệnh danh là “thủ phủ” nghề nuôi tôm hùm. Những ngày này, người nuôi tôm hùm ở đây đang tập trung bảo vệ vùng nuôi, thu hoạch tôm tránh mưa bão. Vụ tôm năm 2024, gia đình ông Nguyễn Văn Trung, thôn Phú Mỹ, xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu nuôi 80 lồng tôm hùm. Trung bình mỗi lồng tôm, ông Trung thả nuôi 200 con tôm hùm xanh. Sau 10 tháng thả nuôi, gia đình ông đã thu hoạch bán được 2,5 tỷ đồng, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Là người có hơn 30 năm nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, ông Trung cho biết: Nuôi tôm hùm lồng là nghề truyền thống ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Thế nhưng đến nay, nghề nuôi vẫn phụ thuộc vào chất lượng con giống, nguồn nước và thức ăn. Tôm hùm nhạy cảm với nước ngọt nên hễ có mưa, lũ, cách duy nhất người nuôi phải trúc trực theo dõi để đánh chìm lồng, hết nước ngọt là kéo lồng lên để giảm thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Trung nói: “Quá trình mình nuôi, mình rút ra được nhiều kinh nghiệm. Nếu bão vô thì giằng bè, khi hết bão rồi thì mưa, nước ngọt thì mình phải trụt lồng sâu xuống. Hàng ngày phải theo dõi xem mực nước ngọt xuống tới đâu thì mình đưa lồng xuống. Khi hết nước ngọt thì mình phải kéo lồng lên”.
Nhiều năm nay, tại thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh. Đến nay, hơn 4.000 hộ dân ở các xã, phường như: Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Thịnh đã thả nuôi tôm hùm. Cứ thấy vùng nước trống thì bà con thả lồng, mua tôm về nuôi. Đi kèm với đó, nhu cầu con giống ngày càng lớn, việc quản lý, kiểm soát chất lượng tôm hùm giống khó khăn hơn. Người nuôi tôm liên tiếp mất mùa vì thiên tai, bệnh dịch. Năm nay được mùa, tôm lại rớt giá so với mọi năm, giá tôm hùm hiện chỉ bán từ 750 ngàn đồng - 800 ngàn đồng/kg.
Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu cho biết, hiện chính quyền địa phương đã định vị lồng nuôi, cảnh báo môi trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nhằm giảm bớt thiệt hại. Tuy nhiên, mỗi khi gặp gió nồm, triều cường thì nước ngọt đổ ra biển sẽ dội ngược cùng bùn đất, tôm thường bị chết ngạt, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi. Mặt khác, do số lượng lồng tôm quá dày đặc nên giải pháp di chuyển lồng ra xa khó khả thi.
Trong mùa mưa bão này, ông Nguyễn Thái Hải Anh khuyến cáo bà con phải thường xuyên kiểm tra, gia cố lồng bè đảm bảo an toàn. “Nghề nuôi tôm của bà con ở thị xã Sông Cầu từ những năm 1990 đến giờ ngót nghét cũng hơn 30 năm. Hiện nay, bà con nuôi cũng tương đối đông, trên 4.000 hộ dân tham gia nuôi tôm hùm, trong đó có 129. 000 lồng nuôi tôm hùm, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nuôi tôm hùm nói riêng cũng như kinh tế - xã hội của thị xã Sông Cầu nói chung. Vào mùa mưa bão, bà con chủ động trong việc chằng chống, neo buộc các lồng bè của mình để đảm bảo an toàn trước và sau mùa mưa bão”.
Tỉnh Phú Yên đã yêu cầu các địa phương ven biển hướng dẫn các hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm hùm lồng bè thu hoạch, tiêu thụ tôm đạt kích cỡ thương phẩm trước mùa mưa bão năm 2024, tránh thiệt hại. Nghề nuôi tôm hùm mang lại nguồn lợi lớn. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên đạt 13.500 tấn, riêng sản lượng tôm hùm 1.500 tấn.
Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên cho biết: Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên thả nuôi quanh năm, đối với tôm hùm xanh chu trình nuôi từ 8-10 tháng và từ 16-18 tháng đối với tôm hùm bông nên thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa lũ. Hiện nay, tỉnh Phú Yên có 165 ngàn lồng nuôi tôm hùm, trong đó phần lớn ở thị xã Sông Cầu còn lại ở thị xã Đông Hòa và huyện Tuy An.
Ông Đào Quang Minh cho biết thêm, các địa phương đang quy hoạch chi tiết, những nơi không phù hợp nuôi tôm hùm phải khuyến cáo người dân chọn các đối tượng nuôi khác an toàn hơn. ”Trong mùa mưa bão này phải thường xuyên kiểm tra, gia cố lồng bè để đảm bảo được an toàn. Thứ hai, thu tỉa sản phẩm thủy sản khi đạt được kích cỡ thương phẩm để hạn chế rủi ro khi có mưa bão đổ bộ trực tiếp vào. Thứ ba, chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên liệu cần thiết để đảm bảo tích trữ thức ăn, đảm bảo lượng thức ăn nếu trong thời gian đó không có thể chuẩn bị kịp thời”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/thu-phu-tom-hum-phu-yen-doi-mat-voi-noi-lo-mua-bao-post1132502.vov