'Thủ phủ' tôm hùm thế giới hứng đòn thương chiến Mỹ-Trung

Ngành công nghiệp tôm hùm đang bùng nổ tại Canada vì nhu cầu tăng cao, trong khi tiểu bang xuất khẩu tôm hùm của Mỹ lao đao vì thương chiến với Trung Quốc.

Tôm hùm xuất khẩu từ Mỹ gặp nhiều khó khăn trước mức áp thuế nhập khẩu lên tới 25% của Trung Quốc. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp lên ngành khai thác tôm hùm giá trị hơn 1,5 tỷ USD của bang Maine thuộc New England, Mỹ. Thành phố Rockland, bang Maine, thường được mệnh danh là "thủ phủ tôm hùm" của thế giới.

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế Maine, sản lượng xuất khẩu tôm hùm Maine giảm 84% kể từ khi bị áp thuế. Không còn tôm hùm từ Mỹ, các khách hàng Trung Quốc buộc phải tìm tới những nhà cung cấp tôm hùm như Canada.

“Giao thương với Trung Quốc tăng khủng khiếp”, Washington Post trích lời Geoff Irvine, Giám đốc điều hành Hội đồng Tôm hùm Canada, “nếu không có thuế, chuyện này sẽ không xảy ra.”

Một ngư dân đang kiểm tra bẫy tôm hùm ngoài khơi đảo Prince Edward, Canada. Ảnh: Washington Post.

Một ngư dân đang kiểm tra bẫy tôm hùm ngoài khơi đảo Prince Edward, Canada. Ảnh: Washington Post.

Cầu vượt cung

Số liệu của tổ chức trên cho thấy, xuất khẩu tôm hùm Canada vào thị trường Trung Quốc vào nửa sau 2018 đạt 201 triệu USD, gấp gần 7 lần Mỹ, mặc dù chỉ vài tháng trước đó, hai nước này xuất khẩu gần ngang nhau ở mức 84 triệu USD.

Trước đó, Canada cũng đã chứng kiến kim ngạch xuất khẩu tăng gấp đôi mỗi năm khi giới nhà giàu Trung Quốc tìm đến tôm hùm, biểu tượng của sự xa xỉ và mới lạ trên bàn tiệc ngày một nhiều.

Nhu cầu tăng vọt là điều đáng mừng đối với các nhà cung cấp từ Canada, đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức đối với chuỗi cung ứng. Bảo quản và vận chuyển trở thành yếu tố tối quan trọng nếu muốn tôm hùm tươi sống từ biển ngoài khơi nước này đến được bàn tiệc tại Trung Quốc trong vài ngày.

“Giao nhận là một trong những vấn đề lớn của chúng tôi”, Bob Ironside, Phó giám đốc điều hành công ty vận tải hàng không Flying Fresh cho hay, “gần như không thể nào đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng tăng".

Washington Post dẫn lời Francis Morrisey, quản lý công ty chế biến Royal Star Foods tại đảo Prince Edward, Canada, cho biết kho dự trữ của họ có thể chứa tới 450 tấn tôm hùm sống trong các bể chứa nước muối được giữ lạnh, bên cạnh 2.700 tấn tôm hùm đông lạnh và đã qua chế biến.

“Chúng tôi thông cảm với những khó khăn mà đồng nghiệp chúng tôi tại Mỹ đang gặp phải”, Morrisey nói, “nhưng bám lấy khách 'sộp' đơn giản là một tiêu chí kinh doanh”.

Trước một buổi gặp gỡ đối tác Trung Quốc gần đây, ông Morrisey cho hạ cờ đảo và nâng cờ Trung Quốc ngang hàng với cờ Canada và Mỹ trước lối vào nhà máy.

Cờ Trung Quốc, Canada và Mỹ bên ngoài trụ sở Royal Star Food, một công ty chế biến đồng sở hữu bởi hơn 200 ngư dân địa phương. Ảnh: TWP.

Cờ Trung Quốc, Canada và Mỹ bên ngoài trụ sở Royal Star Food, một công ty chế biến đồng sở hữu bởi hơn 200 ngư dân địa phương. Ảnh: TWP.

Trả lời kênh PBS Newshour, Stephanie Nadeau từ The Lobster Company cho biết nhiều nhà cung cấp từ Canada thậm chí đặt mua tôm hùm từ Mỹ, ghi xuất xứ là Canada và vận chuyển sang Trung Quốc.

Cũng theo kênh này nhận định, nhờ chính sách thương mại tương đối tự do, tôm hùm Canada không bắt buộc phải đến từ nước này mà chỉ cần được đánh bắt tại vùng đánh bắt ở Bắc Đại Tây Dương. Trong khi đó, tôm hùm được bán bởi một nhà cung cấp Mỹ chắc chắn sẽ bị đánh thuế, dù được đánh bắt tại vùng biển của Canada.

Dấu hỏi cho tương lai tôm hùm Mỹ

“Giờ đây chúng tôi đang phải cạnh tranh trong một thị trường hẹp hơn rất nhiều. Bạn không thể yêu cầu người Trung Quốc trả thêm tiền cho cùng một con tôm hùm”, Sheila Adams, điều hành nhà cung cấp tôm hùm tươi sống Maine Coast tại Maine, Mỹ, cho biết. “Chiến tranh thương mại càng kéo dài, khả năng việc kinh doanh hồi phục 100% càng thấp”.

Sheila Adams cho biết công ty mình đã lên kế hoạch mở rộng thị trường trong nước và sang các nước châu Á khác. Tuy nhiên không phải thị trường nào cũng đầy đủ cơ sở hạ tầng để vận chuyển hải sản tươi sống.

“Mối quan hệ thương mại với Trung Quốc đã chuyển từ quy mô lớn sang một thứ đầy may rủi”, Adams nói với Seafood Source.

Tôm hùm trở thành ngôi sao trên những bàn tiệc của giới nhà giàu tại Trung Quốc. Ảnh: AspirantSG.

Tôm hùm trở thành ngôi sao trên những bàn tiệc của giới nhà giàu tại Trung Quốc. Ảnh: AspirantSG.

Dave Kaselauskas, một ngư dân đánh bắt tôm hùm tại Maine trả lời kênh PBS Newshour: “Giá mồi cá trích đã tăng lên… Chúng tôi vẫn còn xa mới đạt được lợi nhuận ròng tương tự năm ngoái… Các nhà buôn đang cố gắng để hỗ trợ chúng tôi bằng cách tăng giá mua, nhưng họ không thể bởi vì thuế nhập khẩu”.

Có nhiều lo ngại những hệ quả về thương mại sẽ tiếp diễn ngay cả khi chiến tranh thương mại đã kết thúc.

Một ví dụ điển hình là khi chính phủ tổng thống George W. Bush áp thuế lên thép nhập khẩu hồi đầu năm 2002, khiến giá thép tăng cao và nhiều người mất việc làm. Mặc dù thuế được gỡ bỏ một năm rưỡi sau đó, tỷ lệ việc làm trong ngành sản xuất thép chưa bao giờ hồi phục về mức cũ.

Ngành công nghiệp tôm hùm tại Maine đem lại thu nhập cho xấp xỉ 4.500 ngư dân có giấy phép cũng như hơn 10.000 người khác làm việc trong ngành này.

Đầu năm nay, Bộ Nông Nghiệp Mỹ công bố gói cứu trợ 16 tỷ USD hỗ trợ nông dân bị ảnh hưởng bởi thuế Trung Quốc trên nhiều mặt hàng như ngô, lúa mạch, lúa mì hay lợn. Tôm hùm không có trong danh sách này.

An Nguyễn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thu-phu-tom-hum-the-gioi-hung-don-thuong-chien-my-trung-post1010008.html