Thử thách tự nhốt mình trong phòng cả tháng để đổi đời ở Trung Quốc

Thử thách này có nhiều nét tương đồng với 'Squid Game' của Netflix, trong đó những con nợ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bất khả thi để giành được phần thưởng tiền mặt khổng lồ.

Khi Zhang (tỉnh Thiểm Tây) nhìn thấy quảng cáo trên mạng xã hội, anh nghĩ mình đã được trao cơ hội đổi đời, theo Sixth Tone.

Thất nghiệp và chìm trong nợ nần, Zhang cần tiền mặt gấp. Và công ty trò chơi đang cung cấp chính xác điều đó, nếu anh có thể hoàn thành một "thử thách tự kỷ luật" nghe có vẻ đơn giản.

Ba lần thất bại

Tất cả những gì Zhang cần làm là dành nhiều ngày trong một phòng khách sạn nhỏ được lắp đặt nhiều camera giám sát. Nếu anh có thể ở đó trong 26 ngày - mà không cần che mặt mọi lúc - anh sẽ giành được phần thưởng tiền mặt 859.000 nhân dân tệ (118.000 USD).

Zhang đã đăng ký và trả lệ phí 6.900 nhân dân tệ (950 USD) mà không hề do dự. Nhưng thử thách đổi đời đã sớm trở thành cơn ác mộng, khi Zhang thất bại chỉ sau vài giờ.

Quá tuyệt vọng, Zhang đã thử lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Nhưng như lần đầu, anh đều nhanh chóng bị loại. Sau nhiều ngày nỗ lực, anh đã trả hơn 20.000 nhân dân tệ (2.700 USD) tiền lệ phí và không thắng được gì. Anh thấy mình càng mắc nợ nhiều hơn và cảm thấy như đã bị lừa.

"Một người họ hàng nói với tôi rằng đây là trò lừa đảo trắng trợn", Zhang nói với Huashang Daily. "Luật chơi nghe có vẻ đơn giản, nhưng thử thách này vượt quá giới hạn chịu đựng của con người và về cơ bản là không thể hoàn thành".

 Những người tham gia thử thách kỷ luật bản thân để giành giải thưởng lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Những người tham gia thử thách kỷ luật bản thân để giành giải thưởng lớn ở Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Zhang đã trở thành nạn nhân của một trào lưu đen tối nổi lên trên mạng xã hội Trung Quốc trong những tháng gần đây, có nét tương đồng kỳ lạ với loạt phim Squid Game của Netflix.

Các công ty đang dụ dỗ người nghèo và người thất nghiệp tham gia vào những "thử thách" đáng ngờ với lời hứa sẽ giành được giải thưởng tiền mặt lớn. Hầu hết là những thử thách cô lập tương tự điều mà Zhang đã thử, với những người tham gia dành nhiều ngày trong các căn phòng nhỏ dưới sự giám sát của camera.

Nếu các thí sinh chiến thắng, họ có thể kiếm được số tiền giúp thay đổi cuộc đời thường lên tới hàng trăm nghìn nhân dân tệ. Nhưng họ hiếm khi làm được điều đó. Thay vào đó, giống như Zhang, mọi người thường thấy mình phải nộp lệ phí đăng ký chỉ để bị loại vì vi phạm các quy tắc của cuộc thi.

Các công ty này thường phát trực tiếp, làm video ngắn và hình ảnh về nỗ lực của thí sinh rồi đăng lên mạng xã hội để thu hút thêm nhiều người chơi trong tương lai.

Tâm lý đánh bạc

Không rõ xu hướng này bắt đầu từ khi nào, nhưng nó đã nhanh chóng trở nên phổ biến trong năm nay. Một tìm kiếm nhanh trên phiên bản TikTok của Trung Quốc, Douyin, sẽ cho ra hàng chục tài khoản quảng bá cái gọi là "thử thách tự kỷ luật".

Đóng vai trò là người tham gia tiềm năng, Sixth Tone đã trao đổi với những người điều hành một số thử thách như vậy để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của ngành. Trong mỗi trường hợp, nhân viên thường hỏi về độ tuổi, thành phố cư trú và tình trạng sức khỏe của người tham gia trước khi gửi một tài liệu nêu rõ các quy tắc của cuộc thi.

Phí đăng ký thường dao động từ 6.000 nhân dân tệ đến 8.000 nhân dân tệ (820-1.100 USD), với các thử thách kéo dài từ 20 đến 30 ngày. Phần thưởng thường lên tới 300.000 nhân dân tệ đến 600.000 nhân dân tệ (41.000-82.000 USD).

Một công ty dường như đặc biệt nhắm đến những người trung niên khi các nhân viên cho biết thử thách này dành cho bất kỳ ai trong độ tuổi từ 45 đến 50 có sức khỏe tốt.

Những thử thách này nhìn chung khá giống với thử thách mà Zhang đã trải qua, trong đó những người tham gia được yêu cầu ở trong một căn phòng nhỏ càng lâu càng tốt mà không vi phạm một loạt các quy tắc, trong khi các nhân viên theo dõi mọi hành động của họ qua camera.

Các quy tắc nghe có vẻ đơn giản. Theo các tài liệu, thí sinh phải ở trong phòng mọi lúc, không được sử dụng bất kỳ thiết bị điện tử nào, không được giao tiếp với bất kỳ ai khác, không được che mặt tại mọi thời điểm và không được di chuyển hoặc che camera.

 Căn phòng nơi người chơi thực hiện thử thách tự nhốt mình. Ảnh: VCG.

Căn phòng nơi người chơi thực hiện thử thách tự nhốt mình. Ảnh: VCG.

Các quảng cáo trực tuyến về thử thách này cố gắng làm cho mọi thứ có vẻ dễ thực hiện, với một bài đăng nêu rằng "bạn có thể đọc sách, vẽ, đan lát hoặc ngắm cảnh bên ngoài cửa sổ".

Nhưng như Zhang phát hiện ra, những quy tắc này cực kỳ khó tuân thủ trong thực tế. Trong lần thử đầu tiên vào tháng 9, anh đã bị loại trong vòng 24 giờ vì che mặt quá ba giây.

Lần thứ hai, Zhang đã thất bại vì đã quay lưng lại với máy quay trong lúc dọn giường. Lần thứ ba, các nhân viên cáo buộc Zhang đã vi phạm quy tắc bằng cách che một lon bia - một phần của "thử thách tự rèn luyện" bao gồm không chạm vào hoặc uống rượu còn lại trong phòng.

Zhang vô cùng tức giận và đã đệ đơn kiện công ty với hy vọng buộc họ phải hoàn lại lệ phí đăng ký cho anh.

Việc đưa tin trên phương tiện truyền thông về vụ việc của anh đã gây ra sự phẫn nộ của công chúng đối với những người điều hành các thử thách tự kỷ luật. Các chuyên gia pháp lý đã thúc giục chính quyền Trung Quốc hành động chống lại ngành công nghiệp này.

Xia Hailong, luật sư tại Công ty luật Shenlun Thượng Hải, nói rằng các thử thách này giống như cờ bạc, với những người tham gia được khuyến khích chấp nhận rủi ro để theo đuổi phần thưởng nhanh chóng. Người chơi được khuyên nên thu thập bằng chứng và thực hiện hành động pháp lý nếu họ cảm thấy mình đã bị dụ vào "bẫy tiêu dùng", Xia nói thêm.

Zhang đồng ý rằng thử thách này giống như một hình thức đánh bạc. "Có tâm lý đánh bạc ở đó", anh nói với giới truyền thông. "Sau khi thất bại trong thử thách lần thứ hai, tôi đã vay tiền từ một người bạn để thử lại. Vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ: Tôi đã đầu tư rất nhiều tiền, tôi không thể ra về tay trắng được".

Người đàn ông sống ở Thiểm Tây này không phải là nạn nhân đầu tiên kiện một nhà điều hành thách thức kỷ luật bản thân. Đầu năm nay, một người đàn ông họ Sun đã đệ đơn kiện tương tự, lập luận rằng anh ta đã bị lừa mất phí đăng ký một cách bất công.

Sun được cho là đã ký hợp đồng tham gia thử thách cách ly 30 ngày hứa hẹn phần thưởng 250.000 nhân dân tệ (34.000 USD). Anh đã trả 6.000 nhân dân tệ (820 USD) để tham gia. Nhưng vào ngày thứ ba của thử thách, Sun được thông báo rằng anh đã vi phạm quy tắc vì đã che mặt bằng gối khi ngủ.

Tin rằng mình không vi phạm bất kỳ quy tắc nào, Sun đã đưa công ty ra tòa ở tỉnh Sơn Đông. Thẩm phán đã ra phán quyết có lợi một phần cho Sun, nhưng chỉ yêu cầu công ty trả lại cho anh 5.400 nhân dân tệ (740 USD).

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/thu-thach-tu-nhot-minh-trong-phong-ca-thang-de-doi-doi-o-trung-quoc-post1518672.html