Thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường không đủ chi, vì sao?

Ngày 19/8/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 39 quy định giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay, kết quả thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường đã có chuyển biến tích cực song tại nhiều nơi, tỷ lệ thu vẫn đạt thấp khiến hoạt động thu gom, xử lý rác thải gặp khó khăn.

Thu giá dịch vụ vẫn gặp khó

Quyết định số 39 được ban hành nhằm thay thế Quyết định số 43, ngày 26/12/2017 của UBND tỉnh quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Quyết định quy định giá tối đa cụ thể cho từng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác đối với hộ dân tính theo đầu người và hộ kinh doanh ở các nhóm huyện, thành phố và cơ quan, tổ chức. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường, bảo đảm chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt.

 Rác tồn lưu tại tổ dân phố Nội, phường Nội Hoàng (thành phố Bắc Giang). Ảnh chụp chiều 4/5.

Rác tồn lưu tại tổ dân phố Nội, phường Nội Hoàng (thành phố Bắc Giang). Ảnh chụp chiều 4/5.

Theo quy định, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án giá dịch vụ trình UBND cấp huyện phê duyệt làm căn cứ thu; tổ chức thu, quản lý, sử dụng tiền thu chi trả đủ cho đơn vị cung ứng dịch vụ; phần còn lại nộp ngân sách cấp huyện để chi trả cho đơn vị vận chuyển, xử lý… Các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt cụ thể mức giá thu trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến phương án giá để người dân chấp hành nghiêm. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát các đơn vị cung ứng dịch vụ… để nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Khảo sát thực tế cho thấy, những năm qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đều đã phê duyệt phương án giá dịch vụ và triển khai ở tất cả các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Theo đó, mức thu ở các huyện, thị xã, thành phố quy định phổ biến đối với các hộ không kinh doanh từ 10-50 nghìn đồng/hộ/tháng. Hộ kinh doanh tùy theo quy mô, các địa phương thu từ 110 - 295 nghìn đồng/hộ/tháng; nhà trọ thu từ 8 - 11 nghìn đồng/người/tháng…

Quy định là vậy song tại một số nơi, kết quả thu vẫn đạt thấp. Ví như tại phường Nội Hoàng (thành phố Bắc Giang), theo phương án giá dịch vụ của phường được phê duyệt, các hộ không kinh doanh 30-40 nghìn đồng/người/tháng; hộ kinh doanh 145 nghìn đồng/hộ/tháng nhưng kết quả thu chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Ông Dương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, năm 2024, địa phương xây dựng phương án thu tiền dịch vụ vệ sinh đối với các hộ là 158 triệu đồng/tháng song kết quả thu chỉ đạt 100 triệu đồng, chiếm hơn 63% so với tổng số tiền cần phải thu. Số tiền này thu được của 92% trong tổng số hộ dân của phường.

Từ đầu năm đến nay, kết quả thu tiền dịch vụ vệ sinh của các tổ dân phố của phường cũng đạt thấp. Theo đại diện lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Á Đại Lợi (thành phố Bắc Giang - đơn vị thu gom rác tại phường Nội Hoàng) thì tỷ lệ thu tiền dịch vụ ở hầu hết các tổ dân phố chỉ đạt khoảng 60 - 63% so với tổng số tiền cần phải thu. Do đó, doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh phí bố trí nhân công thu gom rác. Trên địa bàn phường Nội Hoàng vẫn còn một số điểm tồn lưu rác, gây ô nhiễm như ở các tổ dân phố: Nội, Tiên Phong…

Tại các xã: Đông Phú, Tam Dị (Lục Nam); Phong Minh, Phong Vân (Lục Ngạn); Đồng Hưu, Tân Hiệp, Đồng Kỳ (Yên Thế); An Dương (Tân Yên)…, tỷ lệ thu chỉ đạt 50- 70% so với tổng số hộ cần phải thu. Đáng lo ngại, tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên), mặc dù địa phương đã tổ chức thu song chỉ thu được 5 nghìn đồng/hộ/tháng, thấp hơn nhiều so với đơn giá được phê duyệt. Hay như tại huyện Lục Nam có nơi chỉ thu 6 nghìn đồng/hộ/tháng. Đối với các hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, kinh doanh ăn uống, phần lớn các huyện, thị xã, thành phố đều không thu được tiền dịch vụ ở mức 106 - 295 nghìn đồng/hộ/tháng theo quy định. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, mức thu này tại nhiều xã không bảo đảm cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác hiện nay.

Theo số liệu thống kê sơ bộ, năm 2024, toàn tỉnh thu được hơn 84,5 tỷ đồng tiền dịch vụ vệ sinh môi trường trong khi tổng chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý mất hơn 184 tỷ đồng. Một số địa phương thu đạt cao như: Thành phố Bắc Giang hơn 27,6 tỷ đồng, Hiệp Hòa hơn 11,9 tỷ đồng, Lạng Giang gần 11 tỷ đồng, thị xã Việt Yên gần 11 tỷ đồng. Bên cạnh các địa phương thu cao, nhiều nơi có số thu tiền dịch vụ thấp như: Huyện Lục Ngạn 752 triệu đồng, huyện Yên Thế hơn 1,7 tỷ đồng, huyện Tân Yên hơn 3,6 tỷ đồng…

Tập trung nâng tỷ lệ thu

Theo ước tính của Sở Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, tỷ lệ thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường toàn tỉnh đạt 72,7%. Việc khó thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường gây khó khăn cho việc điều tiết kinh phí chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay, khối lượng rác phát sinh hơn 1 nghìn tấn/ngày, đến năm 2030 gần 1,3 nghìn tấn/ngày. Do đó kinh phí để chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý dự kiến lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Kết quả thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường đạt thấp trước hết là do các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn chưa tích cực tổ chức thu, chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân. Ví như tại phường Nội Hoàng, hiện nay địa phương không đứng ra thu tiền dịch vụ mà giao cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất Á Đại Lợi thu. Như vậy là chưa đúng tinh thần của Quyết định số 39 là UBND cấp xã tổ chức thu, quản lý, sử dụng tiền thu chi trả đủ cho đơn vị cung ứng dịch vụ. Ngoài nguyên nhân trên, nhiều người dân chưa chấp hành nộp đủ số tiền theo quy định.

Ước tính, hiện nay, lượng rác thải phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 965,5 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom, xử lý đạt 97,1%. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí chi trả cho tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ nên hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác tại một số địa phương còn chưa duy trì thường xuyên, hiệu quả, rác vẫn tồn lưu. Theo dự báo, năm nay, khối lượng rác phát sinh hơn 1 nghìn tấn/ngày, đến năm 2030 gần 1,3 nghìn tấn/ngày. Do đó kinh phí để chi trả cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý dự kiến lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường là chủ trương đúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Được biết, năm nay, tỉnh có kế hoạch tiếp tục nâng tỷ lệ thu tiền dịch vụ này. Cụ thể, thành phố Bắc Giang phấn đấu thu đạt 100%; các huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang và thị xã Việt Yên thu từ 95% trở lên, các địa phương còn lại thu đạt từ 85% trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, hiện Sở đang phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, có trách nhiệm nộp đúng, đủ mức tiền theo đơn giá quy định. Sở tập trung kiểm tra, xem xét nhắc nhở các xã, phường, thị trấn tổ chức thu phí chưa bảo đảm theo yêu cầu nâng mức thu nhằm duy trì thường xuyên, hiệu quả hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác.

Cùng với đó, các địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động xả rác của người dân, chấn chỉnh nghiêm các trường hợp không nộp tiền dịch vụ. Nhiều ý kiến cho rằng, để công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt đạt hiệu quả cao, các địa phương cần tính toán nâng cao tỷ lệ thu giá dịch vụ; xem xét điều chỉnh mức thu phù hợp đối với từng đối tượng, có quy định chặt chẽ để các đơn vị thu thuận lợi. Tại phường Nội Hoàng, đại diện lãnh đạo phường cho biết, ngay trong tháng 5 này, địa phương tổ chức thu tiền dịch vụ vệ sinh môi trường thay vì để doanh nghiệp phối hợp với thôn thực hiện như trước đây.

Minh Linh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thu-tien-dich-vu-ve-sinh-moi-truong-khong-du-chi-vi-sao--postid417500.bbg