Thu tiền sử dụng đất:Tập trung các giải pháp hoàn thành dự toán
Thời gian gần đây, kết quả thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả nguồn thu này, các cấp, ngành liên quan đang gấp rút tìm giải pháp cụ thể.
Thu tiền sử dụng đất là một trong những khoản thu, sắc thuế lớn trong thu nội địa. Chính vì vậy, kết quả thu tiền sử dụng đất tác động rất lớn đến kết quả thu ngân sách chung. Từ năm 2023 đến nay, kết quả thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt rất thấp.
Số thu đạt thấp
Năm 2023, dự toán thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh là 500 tỷ đồng. Kết thúc năm 2023, tổng thu tiền sử dụng đất đạt 356 tỷ đồng, bằng 71,2% dự toán và chỉ bằng 37,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2024 đến nay, việc triển khai thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặp nhiều khó khăn; qua 3 tháng đầu năm 2024, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh đạt 64,2 tỷ đồng, bằng 10,7% dự toán giao.
Bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: Từ năm 2023 đến nay, số thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn là do tiến độ đấu giá các khu đất, tài sản công còn chậm; một số dự án thu tiền sử dụng đất chưa hoàn thiện thủ tục giao đất cho nhà đầu tư nên chưa phát sinh số thu; thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh trầm lắng, một số khu đất mặc dù đã thực hiện giảm giá so với giá khởi điểm lần đầu nhưng không có khách hàng tham gia đấu giá.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đình Lập cho biết: Những năm gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tạo quỹ đất để đấu giá. Năm 2023, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá đất; đề xuất phương án giảm giá khởi điểm một số khu đất… Tuy nhiên, việc tổ chức đấu giá rất chậm, rất ít nhà đầu tư quan tâm dẫn tới năm 2023 huyện chỉ đấu giá được 1 lô đất trị giá hơn 800 triệu đồng (trong tổng số khoảng 300 lô đất có thể tiến hành đấu giá).
Tương tự như tại huyện Đình Lập, một số huyện, thành phố cũng gặp khó khăn trong thu tiền sử dụng đất. Đặc biệt là việc chậm đấu giá một số khu đất như: trụ sở Cục Thuế tỉnh cũ tại thành phố Lạng Sơn; một số khu đất tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình… Bên cạnh đó, một số huyện cũng gặp khó khăn trong thu tiền sử dụng đất do vướng mắc một số thủ tục; việc thu nợ tiền sử dụng đất ở một số địa bàn còn chậm…
Trước thực tế đó, để đảm bảo thu đạt và vượt dự toán được giao, các cấp, ngành liên quan đang triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.927 trường hợp nợ tiền sử dụng đất với số tiền 364 tỷ đồng. Để thu khoản tiền này, hiện nay, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai tuyên truyền, vận động, đôn đốc các trường hợp nợ tiền sử dụng đất bằng nhiều hình thức.
Như đã nêu trên, kết quả thu tiền sử dụng đất còn hạn chế là do tiến độ đấu giá các khu đất còn chậm. Để khắc phục khó khăn này, các cấp, ngành liên quan hiện đang tập trung triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá các khu đất.
Bà Vy Thúy Thành, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2024, dự toán thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện được giao là 40 tỷ đồng, cao gấp 2 lần năm 2023. Tuy nhiên đến cuối tháng 3/2024, thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện mới được 2,3 tỷ đồng, đạt 5,75% dự toán. Để đẩy nhanh tiến độ thu tiền sử dụng đất trong thời gian tới, một mặt, phòng tham mưu UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, khai thác quỹ đất. Mặt khác tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải quyết thủ tục hồ sơ, xác định giá và triển khai đấu giá khu đất Trường Mầm non lâm trường cũ trong quý II/2024 (dự kiến trên 20 tỷ đồng) và trong năm 2024 sẽ tiến hành đấu giá thêm 2 khu đất khác (trụ sở UBND xã Cai Kinh cũ và Trạm Bảo vệ thực vật cũ).
Cùng với huyện Hữu Lũng, các cấp, ngành liên quan hiện đang gấp rút triển khai các giải pháp như: khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hồ sơ pháp lý liên quan đến các khu đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các nhà đầu tư để tham gia đấu giá các khu đất…
Bên cạnh tập trung đấu giá đất, các huyện, thành phố cũng đang khẩn trương triển khai thu nợ tiền sử dụng đất. Ông Dương Hữu Phong, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2024, dự toán thu tiền sử dụng đất trên địa bàn huyện được giao là 10 tỷ đồng. Để đảm bảo thu đạt dự toán đề ra, từ nay đến cuối năm 2024, bên cạnh phối hợp tổ chức đấu giá một số khu đất, phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc thông báo, đôn đốc thu nợ tiền sử dụng đất, đặc biệt là các trường hợp nợ tiền sử dụng đất đến thời hạn 5 năm (theo số liệu của cơ quan thuế, năm 2024 trên địa bàn huyện có 117 hộ ghi nợ tiền sử dụng đất đến thời hạn 5 năm với số thuế nợ là 8,6 tỷ đồng).
Không chỉ huyện Bắc Sơn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 1.927 trường hợp nợ tiền sử dụng đất với số tiền 364 tỷ đồng. Để thu khoản tiền này, hiện nay, các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung triển khai tuyên truyền, vận động, đôn đốc các trường hợp nợ tiền sử dụng đất bằng nhiều hình thức như: phát thông báo đến từng trường hợp người nộp thuế còn nợ tiền sử dụng đất; tuyên truyền lồng ghép qua hội họp, sinh hoạt; vận động cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng dân cư thanh toán nợ tiền sử dụng đất…
Hy vọng rằng với những giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện, thời gian tới, công tác thu tiền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tiếp tục có được những chuyển biến tích cực; từ đó góp phần quan trọng vào kết quả thu nội địa chung trên địa bàn tỉnh.