Thứ trưởng Bộ Công Thương: 'Mỗi lần Lọc hóa dầu Nghi Sơn 'trục trặc' là chúng tôi mất ăn mất ngủ'

Trước thông tin thỏa thuận tái cấu trúc tài chính của các bên liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) vẫn chưa đạt, đang đẩy công ty này trước nguy cơ dừng hoạt động. Bộ Công Thương cho biết, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn cung ứng xăng dầu trong thời gian tới.

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ ngày 18/5.

Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ ngày 18/5.

Trả lời câu hỏi của phóng viên tại Họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 18/5 về vấn đề cung ứng xăng dầu trong thời gian tới, ông Trần Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết: Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng vai trò quan trọng trong cung ứng xăng dầu trong nước, chiếm tới 35-40% nguồn cung.

Trong 4 tháng đầu năm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sản xuất hơn 2,2 triệu tấn xăng dầu các loại, trong đó riêng tháng 4/2023 sản xuất được hơn 67.000 tấn xăng dầu và hiện nay là giữa tháng 5, nhà máy vận hành vẫn ổn định. Trong tháng 6 và quý III, quý IV, theo kế hoạch, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ triển khai công tác vận hành sản xuất đã đăng ký với Bộ Công Thương.

Về việc thu hút dòng tiền của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Tùng cho rằng, ngày 19/4, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi doanh nghiệp này và các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào dự án và PVN khẳng định rằng, việc tái cấu trúc tài chính, bộ máy và vận hành nhà máy an toàn, ổn định là vấn đề “nội tại” của doanh nghiệp, thuộc trách nhiệm giải quyết của Nghi Sơn và các nhà đầu tư tham gia góp vốn - trên cơ sở cam kết các thỏa thuận liên doanh, các tài liệu của dự án và tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.

“Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, PVN và các nhà đầu tư nước ngoài, các bên phải chủ động, cùng phối hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà máy này, đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả, cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường”, ông Tùng khẳng định.

Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: “Nhà máy này chiếm tới 35-40% cho nhu cầu của thị trường nội địa mà mỗi một lần trục trặc, có bị làm sao thì chúng tôi mất ăn mất ngủ. Thực tế là như vậy, hiện nay Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đang và sẽ tiếp tục gặp tình trạng như vậy. Chúng ta phải làm thế nào, liệu có “không ngủ” mãi được không, phải có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là liên doanh giữa PVN, Cô-oét và nhà đầu tư Nhật Bản. Phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ góp vốn 25,1%, do vậy “tiếng nói cũng chỉ có mức độ”.

Phía Bộ Công Thương là cơ quan quản lý ngành trong lĩnh vực dầu khí, việc giải quyết trong nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn là vấn đề nội tại của nhà máy này. Còn Chính phủ, bộ ngành hoặc bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào cũng chỉ tham gia theo đúng các thỏa thuận của các bên đã có cam kết. Đây cũng là điểm khó trong vấn đề xử lý, nhưng theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, cái khó nhất là nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn chiếm 35-40% thị phần, nhưng chúng ta không có quyền quyết được. Đồng thời trong quá trình hoạt động mỗi một năm, nhà máy có ít nhất 30-45 ngày bảo dưỡng, chưa kể các trục trặc về kỹ thuật.

“Suốt mấy năm, từ khi bắt đầu đưa vào sản xuất thường xuyên có tình trạng như vậy. Một doanh nghiệp, nhà máy cung ứng xăng dầu lớn cho thị trường mà thường xuyên không ổn định cho thị trường là điều rất khó. Về phía Bộ Công Thương, chúng tôi rất bám sát nhà máy này, xem hàng ngày, hàng giờ có gặp vấn đề gì không. Nhưng tinh thần, Bộ Công Thương sẽ quyết liệt bám sát, làm mức tốt nhất, cao nhất đảm bảo nguồn cung”, ông Hải khẳng định.

Trả lời về giải pháp cung ứng xăng dầu trong thời gian tới, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh giá và nguồn cung xăng dầu trong nước cũng như thế giới còn nhiều biến động khó lường, Bộ Công Thương sẽ theo dõi việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, trong trường hợp cần thiết quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước để thương nhân đầu mối thực hiện.

Đồng thời, Bộ sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu thế giới và tình hình sản xuất trong nước, phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung.

Đặc biệt, Bộ cũng chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2023 đã được phân giao (số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng; Chủ động nguồn hàng (từ nguồn trong nước và nhập khẩu) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới; Không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp. Đồng thời, chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần có cam kết chặt chẽ với các thương nhân sản xuất xăng dầu (tại hợp đồng ký kết giữa các bên), đảm bảo các thương nhân sản xuất xăng dầu thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cung cấp xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng nội dung, sản lượng đã ký kết tại hợp đồng mua bán xăng dầu ký kết giữa các bên.

Bộ Công thương kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các thương nhận đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, giảm khó khăn cho doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Ông Hoàng Anh Tuấn kiến nghị Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu ổn định trong hoạt động sản xuất và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong thời gian tới.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Tài chính thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo quy định, nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh trong quá trình phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Công Thương, ngành Công Thương cả nước tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp tạo nguồn xăng dầu, hỗ trợ cho lưu thông xăng dầu để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các địa bàn trên cả nước.

Thu Trang/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thu-truong-bo-cong-thuong-moi-lan-loc-hoa-dau-nghi-son-truc-trac-la-chung-toi-mat-an-mat-ngu-20230518161040924.htm