Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo gỡ vướng dự án kết nối giao thông Tây Nguyên
Ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đã làm việc với UBND tỉnh Bình Định và Ban QLDA 2 (chủ đầu tư) để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại tại dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên.
Không để tạo thành điểm nóng
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) cho biết, địa phương đã giải ngân 85,3 tỷ đồng chủ đầu tư cấp về để thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, đạt 100%.
Hiện tại, trên tuyến đang tiến hành di dời 3 trụ điện tại đường gom cầu Bàu Sen (xã Tây Giang) và 8 trụ điện thuộc mặt bằng các tuyến đường gom.
Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm là hiện nay, công tác giám định, bồi thường, hỗ trợ cho người dân bị nứt nhà, vật kiến trúc còn chậm.
Cụ thể, có 1.156 hộ ở hai xã Tây Giang và Tây Thuận khiếu nại việc thi công dự án gây nứt nhà, vật kiến trúc. Chủ đầu tư đã giám định thiệt hại cho 1.055 hộ, còn 101 hộ chưa giám định. Trong đó, mới thực hiện hỗ trợ, chi trả bồi thường cho 228 hộ.
Trước thông tin trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đề nghị, nếu bị ảnh hưởng bởi thi công, phải làm việc với đơn vị bảo hiểm để chi trả tiền cho người dân.
Còn xác định nếu việc khiếu nại, khiếu kiện đó có động cơ, có vụ lợi thì báo cáo cho cấp huyện, lãnh đạo tỉnh Bình Định để có hướng chỉ đạo xử lý, tránh biến đây thành điểm nóng.
Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Nguyễn Văn Khánh cho biết thêm, về việc hơn 1.100 hộ dân khiếu kiện vì bị nứt nhà, vật kiến trúc, UBND huyện giao cho 2 xã Tây Thuận và Tây Giang thành lập 2 tổ công tác để cùng với đơn vị thi công, bảo hiểm xử lý. Tuy nhiên, công tác thực hiện của đơn vị bảo hiểm rất chậm.
Thứ trưởng Tuấn yêu cầu Ban QLDA 2 phối hợp với 2 xã để có phương án xử lý êm thuận nhất về vấn đề này.
Giải quyết vấn đề vật liệu, bãi thải
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Ban QLDA 2 cho biết, phương án thi công dự án được tận dụng khối lượng đá trong quá trình thi công trên tuyến để xay thành đá thành phẩm.
UBND tỉnh Bình Định đã cho chủ trương nhưng thực tế phải thực hiện việc xay đá thành phẩm trên địa bàn Bình Định và chỉ phục vụ cho gói thầu này.
Tuy nhiên, trạm xay đá của dự án lại đặt trên địa bàn tỉnh Gia Lai, cách đèo An Khê khoảng 10km. Vì áp lực tiến độ, đơn vị này xin phép được chở đá từ dự án ở tỉnh Bình Định lên trạm xay ở Gia Lai sau đó chở đá thành phẩm về phục vụ thi công.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn yêu cầu Ban QLDA 2 báo cáo về vấn đề này cho tỉnh Bình Định để xem xét giải quyết, đồng thời mong tỉnh cấp phép bãi thải của dự án theo kiến nghị của chủ đầu tư.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định thông tin, lãnh đạo tỉnh luôn sát sao theo dõi, chỉ đạo xử lý những vướng mắc về mặt bằng của dự án. Qua đó, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng được chú trọng.
Dù vậy, vẫn còn những tồn tại và cần sớm giải quyết. Trong đó, trước 15/9 phê duyệt bồi thường 6 hộ phát sinh ở đường gom và di dời toàn bộ trụ điện. Đặc biệt, phải phối hợp giải quyết sớm việc đền bù nứt nhà cho người dân.
"Ở đây, có thể có trường hợp người dân yêu cầu đền bù không đúng nhưng trường hợp bị ảnh hưởng là có thật. Nếu người dân khiếu nại đúng thì giải quyết, còn thẩm định nếu thấy không đúng thiệt hại thì có ý kiến để xử lý", ông Hoàng nói.
Liên quan đến bãi thải, ông Hoàng đề nghị Ban QLDA 2 có văn bản để lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý ngay. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường về việc vận chuyển đá từ dự án lên trạm xay ở Gia Lai sau đó vận chuyển đá thành phẩm về.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, tinh thần tỉnh ủng hộ để thi công nhanh dự án nhưng phải đúng quy định, thủ tục.
Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài 143,6km (đi qua địa phận tỉnh Bình Định 17km, đi qua tỉnh Gia Lai hơn 126km), tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng (tương đương 155,8 triệu USD). Dự án do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Trong đó, 17km qua địa bàn tỉnh Bình Định thuộc gói thầu XL01, chủ yếu đi qua huyện Tây Sơn.