Thứ trưởng Bộ GTVT: Thi công '3 ca, 4 kíp', đẩy tiến độ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Nhấn mạnh các vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung thi công, đẩy tiến độ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Vẫn gặp khó về vật liệu
Ngày 16/7, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã có chuyến kiểm tra tiến độ thi công dự án thành phần 2, 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, đoạn qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Báo cáo với Thứ trưởng, ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (Ban QLDA, đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3) cho biết, tính đến ngày 14/7, công tác giải phóng và nhận bàn giao mặt bằng đạt hơn 99%.
Đến nay, tổng giá trị xây lắp đạt 15,2% giá trị hợp đồng, trong đó thi công nền đường công vụ dọc tuyến đạt 95%, nền đường tuyến chính đạt 44Km, đã thi công 26/28 cây cầu.
Các vướng mắc cơ bản đã được địa phương quan tâm tháo gỡ, tuy nhiên hiện một số mỏ đá, cát, đất đắp chưa được cấp phép, gây khó khăn cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, tại gói thầu số 1 đang vướng 16 hộ dân và khoảng 600m rừng tại vị trí thi công của nhà thầu Sơn Hải. Hiện, các đơn vị đang chặt hạ cây, chậm nhất trong tuần này sẽ bàn giao mặt bằng.
Ông Phạm Văn Trình, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 6 (Bộ GTVT, chủ đầu tư dự án thành phần 2) cho biết, hiện nay, các khó khăn vướng mắc về mặt bằng cơ bản đã được tháo gỡ. Tuy nhiên còn khoảng 5km (Km60 đến Km65) vướng đất rừng tự nhiên. Hiện Ban đang chỉ đạo các đơn vị nhà thầu trúng đấu giá cây chặt hạ, thu hồi để bàn giao mặt bằng, dự kiến trong tháng 7 sẽ giải quyết xong.
Ngoài ra, tại nút giao Trường Sơn Đông còn lại 13 hộ dân, theo quy định không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Tuy nhiên, Ban đã hỗ trợ để san lấp mặt bằng bố trí làm nhà cho người dân. Hiện đã có 10 hộ đồng ý di dời.
Cũng theo ông Trình, dự án có 4 hầm, trong đó lớn nhất là hầm Phượng Hoàng dài 1,7km đã thi công, dự kiến đến 30/4/2026 sẽ thông hầm.
Liên quan đến vật liệu phục vụ dự án, về cơ bản đã cân đối đủ. Các nhà thầu đang phấn đấu thi công, cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026.
Tập trung thi công đẩy nhanh tiến độ
Sau khi thị sát công trường thi công và nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn đánh giá, những vướng mắc về bãi thải, đất đắp, vật liệu đã được địa phương cùng với chủ đầu tư tập trung tháo gỡ. Điều quan trọng nhất hiện nay là các nhà thầu phải tập trung nhân công, thiết bị để thi công "3 ca 4 kíp", đẩy tiến độ dự án.
"Vị trí nào còn vướng mắc, các nhà thầu khắc phục khó khăn để đảm bảo tiến độ thi công. Đối với vị trí vướng đất rừng, sau khi hoàn thiện các thủ tục, nhà thầu phải hỗ trợ chặt hạ, lấy mặt bằng, không thể chờ được.
Đối với các công trình thi công hầm và cầu, chủ đầu tư cùng với nhà thầu tìm cách đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành, đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, chủ đầu tư, nhà thầu phải linh hoạt trong thi công để ít bị ảnh hưởng nhất", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục đường Cao tốc VN, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt.
Tuy nhiên, tiến độ dự án trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu, còn chậm, nguyên nhân khách quan là vướng công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất rừng, nhất là dự án thành phần 2.
"Đến nay, địa phương đã nỗ lực, cơ bản đã giải quyết xong mặt bằng. Còn một số vị trí bãi thải còn vướng, rất mong chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo dứt điểm", ông Hoàng nói.
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài khoảng 116,577km.
Dự án được chia thành ba dự án thành phần: dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư và thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Trong đó, dự án thành phần 3 có tổng chiều dài tuyến khoảng 48,093km, tổng mức đầu tư hơn 6.165 tỷ đồng; dự án thành phần 2 khoảng 37,5km qua địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư hơn 10.436 tỷ đồng.