Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lý giải việc tăng trưởng GDP quý I thấp
GDP quý I tăng trưởng thấp là vấn đề nhiều người quan tâm nhưng điều này phản ánh đúng thực tiễn và cũng đúng như đánh giá trước đó của các cơ quan.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã lý giải xung quanh việc GDP quý I/2023 chỉ tăng 3,32%, gần thấp nhất trong 13 năm. Theo ông Phương, bối cảnh kinh tế xã hội cho thấy khó khăn và thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, thậm chí khó khăn, thách thức còn lớn hơn những gì dự kiến.
Ông Phương cho rằng, tăng trưởng thấp là vấn đề nhiều người quan tâm, song điều này phản ánh đúng thực tiễn và cũng đúng như đánh giá của các cơ quan.
Vẫn theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, các yếu tố tác động đến tăng trưởng là lạm phát, tuy có hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Ngoài ra, các yếu tố từ bối cảnh thế giới và tác động của các nền kinh tế lớn, tác động từ căng thẳng Nga - Ukraine cùng với nhu cầu toàn cầu giảm sút mạnh… đều tác động đến kinh tế nước ta.
Tuy vậy, ông Phương nhận định tốc độ tăng trưởng quý I được đánh giá vẫn ở mức khá so với bình quân chung và trong khu vực.
Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng giải pháp nhằm cố gắng bù đắp những gì quý I chưa đạt được. Quan điểm nhất quán được ông Phương nhấn mạnh là bảo đảm kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
"Đây là yếu tố nền tảng kiểm soát mọi thứ, thúc đẩy tăng trưởng", ông Phương nhấn mạnh.
Theo ông Phương, 2 chính sách quan trọng và cần thận trọng trong điều hành là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chính sách tiền tệ đang có nhiều thách thức, đòi hỏi độ nhạy bén, kịp thời để vừa chống chọi với những khó khăn mà yếu tố quốc tế đem lại, vừa cung cấp đủ nguồn lực cho nền kinh tế phát triển.
Bên cạnh đó, ông Phương cho rằng cần rà soát các động lực còn lại của nền kinh tế, lấy tăng trường của khu vực thuận lợi bù đắp cho khu vực khó khăn; quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; rà soát phát triển thị trường trong nước khi xuất khẩu gặp khó khăn.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng cần tháo gỡ cho các dự án đầu tư ngay từ cấp cơ sở bằng việc thành lập tổ công tác liên ngành, tổ công tác đặc biệt.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, người phát ngôn của Chính phủ, kinh tế xã hội tháng 3 và quý I đạt được những kết quả tích cực với nhiều điểm sáng.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định. GDP quý I tăng 3,32% trong điều kiện có rất nhiều khó khăn. 58/63 địa phương tăng trưởng dương, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng cao (như Hậu Giang 12,67%, Bình Thuận 9,86%, Hải Phòng 9,65%, Khánh Hòa 9,07% và Cà Mau 9,05%).
Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ có xu hướng giảm dần qua các tháng (CPI tháng 1 tăng 4,89%, tháng 2 tăng 4,31%, tháng 3 tăng 3,35% so với cùng kỳ; tính chung quý I tăng 4,18%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 4,5%).
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới có nhiều biến động, lãi suất điều hành được điểu chỉnh giảm 2 lần trong quý I, góp phần làm cho mặt bằng lãi suất có chiều hướng giảm.
Giải ngân vốn đầu tư công tăng 11,6 nghìn tỷ đồng so với cùng kỳ. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I tăng 3,7% so với cùng kỳ. Thu hút FDI quý I có những tín hiệu tích cực: số dự án FDI đăng ký mới tăng 58,6% so với cùng kỳ; tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần đạt gần 2,77 tỷ USD, tăng 51,8% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện đạt 4,32 tỷ đồng.