Thứ trưởng Bộ NN&PTNT lý giải nguyên nhân sạt lở, sụt lún đất ở Đắk Nông
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún, sạt lở đất ở Tây Nguyên là do mất rừng.
Sáng 7-8, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, đi kiểm tra thực tế thủy lợi Đắk N’ting tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông đang có nguy cơ bị vỡ nghiêm trọng.
Kiểm tra trực tiếp công trình, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định tình trạng mất rừng đã làm thay đổi dòng chảy bề mặt và dòng chảy nước ngầm.
PV Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi: Với diện tích đất đang sụt lún, sạt trượt gần đập thủy lợi Đắk N’ting là đất rừng, Thứ trưởng đề nghị tỉnh Đắk Nông xử lý như thế nào?
Theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, có khoảng 1 triệu m3 trên diện tích khoảng 10 ha đất có nguy cơ sạt lở. Những vị trí gần đó vẫn còn có rừng khộp, nhiều nơi người dân đã trồng tiêu.
“Quá trình tưới tiêu của người dân là nguyên nhân làm dòng chảy ngầm thay đổi và rõ ràng như thế, chúng tôi sẽ bàn hướng xử lý"- Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nói.
Một trong những hướng xử lý tiếp theo là Bộ NN&PTNT sẽ đề nghị tỉnh Đắk Nông hạ tải; xả nhanh lượng nước hiện có trong lòng hồ...
H
Cũng theo ông Hiệp, vừa qua Tây Nguyên xuất hiện thời tiết cực đoan, tổng lượng mưa rất lớn, gấp 2 đến 2,5 lần so với lượng mưa hàng năm.
Yếu tố mưa, sự tác động của con người khiến các công trình đang làm tạo ra tổ hợp bất lợi, dẫn đến sạt lở khá nhiều điểm khác nhau ở Tây Nguyên. Trong đó, địa bàn Gia Nghĩa đã có một đoạn đường Hồ Chí Minh bị sạt lở nặng; hồ thủy lợi Đắk N’ting và một loạt cơ sở trường học Đắk Nông bị sạt trượt.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các bộ ngành phối hợp sửa lại các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện nay về các công trình hồ đập.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, hiện nay cung trượt vẫn tiếp tục dịch chuyển gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình thủy lợi Đắk N’ting; các vết nứt cũ đã có hiện tượng mở rộng, sạt trượt hơn so với những ngày trước đó.
Số liệu quan trắc cho thấy do ảnh hưởng liên tục của cung trượt, áp lực đất phía đồi ngày càng đè nén thêm vào tràn xả lũ gây ra tình trạng đẩy nổi bên vai trái tràn xả lũ.
Việc chuyển vị, dịch chuyển nêu trên gây thêm nứt gãy bê tông mái thượng, hạ lưu tràn, bản quá độ đã bị biến dạng hơn.
Ngoài ra, mái bê tông thượng lưu đập đất tiếp giáp tràn đã có hiện tượng nứt gẫy, chia cắt, với vết nứt kéo dài khoảng từ chân đập lên đỉnh khoảng 25 m, chiều rộng vết nứt có chỗ lên tới 3cm.
Đến nay, UBND huyện Đăk G’long đã sơ tán 34 hộ với 175 người trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.