Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng: Tài sản lớn nhất của tuổi trẻ là không sợ thất bại
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, tài sản lớn nhất của tuổi trẻ là không sợ thất bại, vì vậy các bạn hãy bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, đừng e ngại.
Chiều 14/9, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, diễn ra tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” do T.Ư Đoàn chủ trì tổ chức.
Dự tọa đàm về phía Việt Nam có ông Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị; ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng; ông Vũ Hải Hà - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại; ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Quốc hội khóa XV; anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.
Đại biểu quốc tế có ông Martin Chungong, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Cùng dự có các nghị sĩ trẻ là đại biểu chính thức của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9; đại diện các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư, các bạn đoàn viên, thanh niên.
Sứ mệnh của thanh niên là tiên phong chuyển đổi số
Trao đổi tại tọa đàm, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội SVVN cho rằng, chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Trong đó, thanh niên là lực lượng có điều kiện thuận lợi nhất để làm tốt việc chuyển đổi số, bởi đặc trưng sáng tạo, khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ và dễ dàng chấp nhận những cái mới. Theo anh Triết, trong chuyển đổi số, thanh niên vừa là chủ thể tham gia, đồng thời là chủ thể thụ hưởng kết quả mang lại từ chuyển đổi số.
Theo anh Triết, mỗi thời kỳ lịch sử, thanh niên đều có một sứ mệnh và sứ mệnh của thanh niên trong thời đại này là tiên phong trong chuyển đổi số.
“Thanh niên không chỉ tạo ra giá trị cho bản thân mình mà còn góp phần cho sự phát triển của đất nước, nâng cao vị thế quốc gia. Vì thế, các bạn thanh niên hãy xem đây như một nhu cầu tự thân để đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước, cộng đồng”, anh Triết nói.
Anh Triết cho rằng, muốn chuyển đổi số cần có những con người số. Con người số được hiểu là những công dân có năng lực số. Do đó Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đang tập trung các hoạt động hỗ trợ thanh niên nâng cao năng lực số bằng việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2023 – 2030.
Trong đó tập trung vào các giải pháp như: tham gia đề xuất chính sách hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số, cải thiện, nâng cấp hạ tầng số, thiết bị số đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển; triển khai hiệu quả mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng và các hoạt động tình nguyện trong lĩnh vực chuyển đổi số;…
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số là thay đổi nhận thức, thói quen của thanh niên. Bởi thanh niên có rất nhiều mối bận tâm, phải cần có cách tiếp cận mới để thay đổi nâng cao năng lực số cho bản thân.
“Nếu chúng ta vẫn làm những gì đang làm thì chúng ta chỉ có những gì đang có, không tạo được đột phá, đổi mới”, ông Dũng nói và cho rằng, tài sản lớn nhất của tuổi trẻ là không sợ thất bại, vì vậy các bạn hãy bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, đừng e ngại gì.
Yếu tố con người quan trọng nhất
Bà Miki Nozawa - Trưởng ban Giáo dục Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, kỹ năng số đang ngày càng quan trọng với thanh niên để có cơ hội việc làm và đạt được các thành tựu cá nhân, xây dựng thương hiệu cá nhân trên không gian mạng.
Những kỹ năng số được coi là quan trọng trong tổng thể tất cả kiến thức, kỹ năng cần phải biết. Xác định được tầm quan trọng đó, UNESCO đã nghiên cứu, ban hành một phiên bản khung năng lực số trên cơ sở bổ sung vào những nội dung hiện có của khung năng lực số châu Âu DigComp 2.0 thống nhất toàn cầu.
Theo bà Miki Nozawa con người là yếu tố quyết định thành công quá trình chuyển đổi số.
“Để thúc đẩy chuyển đổi số thì yếu tố quan trọng hàng đầu là chúng ta cần có cách tiếp cận xoay quanh người dân, xây dựng kỹ năng số, năng lực số cho người dân. Trong đó, người trẻ đóng vai trò quan trọng, đây là đối tượng ưu tiên nâng cao năng lực số và cũng là lực lượng lan tỏa, truyền cảm hứng chuyển đổi số ra những người xung quanh”, bà Miki Nozawa nói.
Anh Vũ Gia Luyện - Founder Công ty CP Giải pháp công nghệ thông tin quốc tế, đề xuất cần có giải pháp nâng cao năng lực số cho xã hội trên cả ba phương diện: cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ.
Về phương diện quốc gia, anh Luyện đề nghị các chính phủ đưa ra những chiến lược nâng cao năng lực số đúng đắn, có tầm nhìn và lộ trình bài bản, phù hợp với điều kiện của đất nước và phù hợp với từng giai đoạn trong công cuộc chuyển đổi số. Trong đó, mỗi quốc gia cần có hạ tầng số ổn định, chất lượng, phải đi trước và đi nhanh hơn hạ tầng ở các lĩnh vực khác.
Còn TS. Trương Thanh Tùng - Trưởng Nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Đại học Phenikaa đề xuất, các quốc gia có một chương trình đào tạo bài bản, thống nhất, liên tục từ các cấp bậc học về lớp học số. Bên cạnh đó, cần có một tổ chức thanh niên, ở Việt Nam, tổ chức này là Đoàn Thanh niên hoặc Hội Sinh viên đứng ra tiên phong và hỗ trợ cho các hoạt động này và tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho thanh niên.
Theo TS. Tùng, các nhà giáo, giáo sư cũng cần được nâng cao năng lực chuyển đổi số, tiến hành đào tạo liên tục trên các nền tảng số trước khi hướng dẫn sinh viên, đặc biệt là với các quốc gia kém và đang phát triển.
“Mũi vắc xin” phòng ngừa rủi ro trên không gian số
Anh Nguyễn Quang Long - Bí thư Đoàn VNPT cho rằng, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số là nội dung mang tính quyết định đến hiệu quả khi triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực số cho thanh niên, vì chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động. “Khi mà tư duy, nhận thức chưa đầy đủ thì sẽ dẫn đến những hành động sai lệch”, anh Long nói.
Theo anh Long, trong các hoạt động nâng cao năng lực số cho thanh niên cần phải đặc biệt chú ý tới việc nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn thông tin trên không gian mạng, vì những nguy cơ và thiệt hại đến từ nó là vô cùng lớn.
“Nâng cao nhận thức về an toàn thông tin sẽ là “mũi vắc xin” phòng ngừa rủi ro trên không gian số cho các bạn đoàn viên, thanh niên”, Bí thư Đoàn VNPT nhấn mạnh.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc trang bị cho người trẻ năng lực số, chị Vũ Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hà Nội, Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Tài chính cho biết, không ít những câu chuyện về văn hóa ứng xử thiếu văn minh trên các nền tảng mạng xã hội như: tấn công cá nhân, phân biệt đối xử, công kích gây tổn hại danh tiếng...
“Vì thế nếu như không trang bị năng lực số bạn có thể vô tình trở thành “hung thủ” hoặc là nạn nhân trong những câu chuyện đấy”, Ngọc nói.
Chị Ngọc cho rằng, năng lực số giúp tạo ra chiếc khiên cho chính bản thân mình, giúp chúng ta bảo vệ được thông tin cá nhân đồng thời có thể phân biệt, tỉnh táo và chủ động phòng vệ trước những thông tin xấu độc.