Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Gỡ rối mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế vẫn còn vướng'
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, vấn đề mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đã gỡ khó được một phần nhưng vẫn còn rất vướng.
Sáng 9/2, tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bệnh viện lớn và Sở Y tế các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã báo cáo những khó khăn, vướng mắc và gỡ rối về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế thời gian qua.
Với mua sắm thuốc, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế chịu trách nhiệm đảm bảo nguồn cung ứng đủ thuốc (nhập khẩu và sản xuất trong nước) thông qua việc cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung và thu hồi giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Trong năm 2022, thực hiện Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Hiện tại, đang có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc.
Việc tổ chức đấu thầu thuốc đã được thực hiện ở 3 cấp, cụ thể tại cấp Trung ương, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu và đàm phán giá (50 danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, 27 danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS, 701 thuốc thuộc danh mục đàm phán giá). Năm 2021-2022, đã thực hiện mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và 69 thuốc biệt dược gốc áp dụng hình thức đàm phán giá; tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do Đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục); các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi (đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19).
Bên cạnh đó, số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng; nhân lực quản lý và thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu; chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao; mức phí chi trả cho chuyên gia thẩm định thấp trong khi yêu cầu phải có chuyên môn cao, trách nhiệm lớn, rủi ro pháp lý nên chưa khuyến khích chuyên gia tham gia. Chi phí đầu vào gia tăng dẫn đến tăng giá một số loại thuốc trong khi theo quy định, giá kế hoạch được tham khảo kết quả trúng thầu trước đó (trong vòng 12 tháng) nên có hiện tượng nhà thầu không tham gia đấu thầu, bỏ thầu.
Đối với công tác mua sắm trang thiết bị y tế, ông Tuyên cho biết, Bộ Y tế cũng đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính về trang thiết bị y tế, đến nay đã tiếp nhận, xử lý và công bố, cấp phép, cấp số lưu hành: 30.284 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại A; 12.854 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại B; 1.247 hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D; 278 giấy phép nhập khẩu theo Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về nội dung, phương pháp xây dựng quyết định mua sắm, dự toán mua sắm; phương án xử lý các trang thiết bị sau khi kết thúc đề án liên doanh, liên kết có giá trị dưới 50%, nhưng vẫn trong điều kiện hoạt động tốt.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế, đăng ký lưu hành trang thiết bị, thu hồi trang thiết bị y tế; làm rõ các khái niệm liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.../.