Thứ trưởng Bộ Y tế: Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đến đâu đảm bảo an toàn đến đấy
GS.TS Trần Văn Thuấn- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca; tiêm đến đâu đảm bảo an toàn đến đấy.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều 12/3, về thông tin đã xảy ra một số phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca tại một số nước châu Âu, GS.TS Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết:
Lãnh đạo Bộ Y tế đã nghe báo cáo và phân tích từ các đơn vị triển khai chương trình Tiêm chủng mở rộng, các chuyên gia, nhà khoa học, các thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và các quốc gia cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm chủng với vắc xin AstraZeneca, một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm. Nếu có phản ứng, thì được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ.
Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 12/3 là ngày thứ 5 Việt Nam triển khai tiêm vắc xin AstraZeneca phòng COVID-19. Tính đến hết ngày 11/3, sau 4 ngày triển khai, có tổng cộng 1.585 người đã tiêm tại 13 cơ sở y tế tại 9 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương, Hà Nội, Gia Lai, TP HCM, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Long An.
Đối tượng tiêm là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đến nay ghi nhận 4 trường hợp phản vệ độ 2, được xử trí kịp thời, sức khỏe đã ổn định, đang tiếp tục được theo dõi. Một số trường hợp khác có phản ứng thông thường sau tiêm, sức khỏe hoàn toàn ổn định.
Sau khi về nhà, tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân khai báo đầy đủ cho cán bộ y tế về tiền sử dị ứng và các bệnh cho cán bộ y tế, chủ động theo dõi sức khỏe. Tiêm chủng vắc xin COVID-19 vì sức khỏe của bạn, những người thân yêu. Hãy chung tay bảo vệ mình và cộng đồng trước đại dịch COVID-19.
Từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.
Những mũi tiêm đầu tiên sẽ được thực hiện tại cơ sở 2 (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) của Bệnh viện. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn trực tiếp có mặt giám sát buổi tiêm.
Tại buổi kiểm tra công tác tiêm chủng hôm 8/3, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.
Thứ trưởng đề nghị Chương trình Tiêm chủng Mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vắc xin phòng Covid-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin để bảo đảm chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; bảo đảm tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).
"Các đơn vị thực hiện tiêm chủng cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cần phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vắc xin 48 giờ
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, vắc xin Astrazeneca được cấp phép tại Hàn Quốc và qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm khắt khe, vắc xin này được WHO phê duyệt để sử dụng trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp trên toàn thế giới.
Vắc xin này có hiệu quả bảo vệ đối với cả những biến thể mới của chủng virus nCoV. Hiện nhiều nước cũng đang triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
TS Kidong Park nhấn mạnh, dù vắc xin đã được thử nghiệm, đáp ứng tiêm chủng an toàn nhưng đây là lần đầu tiên thế giới sản xuất một loại vắc xin trong thời gian chỉ một năm. "Chúng tôi nhấn mạnh đến việc cần phải có sự theo dõi sát, kiểm tra sau khi tiêm vắc xin 48 giờ cũng như tiếp tục theo dõi sau tiêm tại nhà để quá trình tiêm vắc xin bảo đảm an toàn”, TS Park lưu ý.
Bộ Y tế nhấn mạnh, đảm bảo an toàn cho người được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là ưu tiên cao nhất. Tất cả quy trình từ nhập khẩu đến khi tiêm chủng vắc xin COVID-19 tại Việt Nam đều được giám sát chặt chẽ.
TS Park đánh giá, chiến dịch tiêm chủng tại Việt Nam hôm nay được chuẩn bị kỹ lưỡng, người đến tiêm được chuẩn bị an toàn, là tín hiệu tốt để Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng an toàn trong thời gian tới. WHO mong muốn đồng hành cùng Chính phủ, Bộ Y tế trong quá trình tiêm vắc xin để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra khuyến nghị cho người dân.
Theo bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, cơ quan này đã liên hệ 10 hãng hàng không quốc tế để có thể vận chuyển miễn phí vắc xin đến 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp tham gia cơ chế vắc xin COVAX. Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên của COVAX.
Khi Việt Nam đáp ứng đủ các quy định, COVAX sẽ chuyển 1,2 triệu liều AstraZeneca trong tháng 3 và 2,8 triệu liều trong tháng 4. Theo kế hoạch, trong năm 2021, COVAX sẽ chuyển cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin.
“Mục tiêu của chúng tôi là làm mọi cách đưa vắc xin nhanh chóng, an toàn đến Việt Nam, không chỉ hỗ trợ về mặt sức khỏe mà còn giúp cho Việt Nam khôi phục phát triển kinh tế. UNICEF mong muốn đồng hành cùng Bộ Y tế tiếp tục triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin tại Việt Nam”, bà Rana Flowers cho biết.