Thủ trưởng các cơ quan phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót giữa các luật.
Ngày 18/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11/2021, thảo luận về 6 đề nghị xây dựng các dự án luật.
Cùng chủ trì phiên họp có các Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, triển khai ba khâu đột phá chiến lược được xác định tại Đại hội XIII của Đảng, trong đó có khâu đột phá về thể chế, căn cứ tình hình thực tiễn từ đầu nhiệm kỳ tới nay và chương trình xây dựng pháp luật theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ tổ chức họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11/2021.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, tâm huyết, nghiên cứu kỹ lưỡng các tài liệu, đóng góp các ý kiến xác đáng, sát tình hình để xây dựng các luật, đáp ứng các yêu cầu rất phong phú mà thực tiễn đặt ra, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.
Hội nghị Trung ương 4 đã nhấn mạnh cần ưu tiên cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chỉ đạo công tác này, phối hợp chặt chẽ với các Bộ trưởng khác để bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bỏ sót giữa các luật.
Thủ tướng cũng lưu ý các thành viên Chính phủ, bên cạnh các công việc thường xuyên, cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước các diễn biến của dịch bệnh.
Trong nhiều tháng qua, Chính phủ đều có các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Các cơ quan đã căn cứ chương trình làm việc, tích cực chuẩn bị các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình các cấp có thẩm quyền.
Tại Phiên họp này, Chính phủ sẽ thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi).
Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ thảo luận theo nguyên tắc: Việc xây dựng pháp luật phải căn cứ các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ, bám sát thực tiễn. Pháp luật phải phát huy được dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo Thủ tướng, các Luật phải được xây dựng trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đi đôi với trách nhiệm người đứng đầu. Trong đó, Chính phủ và các bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra...; luật pháp phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và giải quyết hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
Các Luật mới phải khắc phục được hạn chế, tháo gỡ vướng mắc của luật trước đây; phủ lấp khoảng trống về pháp lý; nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng tác động của các chính sách tới đối tượng mà luật điều chỉnh; phải có sự thống nhất giữa các luật liên quan...
Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì cần phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp này; đồng thời tiếp tục tổ chức các hội thảo để tranh thủ ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, đối tượng chịu điều chỉnh của các luật, kể cả địa phương, để bổ sung, hoàn thiện dự thảo; trên nguyên tắc kế thừa, đổi mới, phát triển.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành tăng cường nguồn lực, bao gồm nguồn lực về con người, vật chất, điều kiện làm việc để tập trung nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, pháp luật; nâng cao chất lượng tổ chức thực thi pháp luật; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật…