Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự Giao ban Xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2023
Các đơn vị xúc tiến thương mại của 16 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên tìm giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại từng địa phương và cả vùng.
Chiều 11/5, tại thành phố Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban Công tác Xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2023 với sự tham dự của các Sở Công Thương, Trung tâm khuyến công – Xúc tiến thương mại 16 tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải dự và chủ trì Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều phức tạp, khó lường trực tiếp ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Tại Việt Nam, hiện rất nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu đầu ra, rất khó khăn ở cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. “Công việc các đơn vị xúc tiến thương mại là phải giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đây cũng là nhiệm vụ chính của ngành Công Thương, của các đơn vị xúc tiến thương mại”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thị trường nội địa đang có nhiều khó khăn, sức mua giảm dẫn đến khả năng tiêu thụ của doanh nghiệp giảm. Đây là lý do vì sao cần phải tổ chức được những chương trình kết nối giữa các nhà sản xuất với các đầu mối tiêu thụ, phân phối trong nước và xuất khẩu. “Chưa bao giờ quý I và 4 tháng đầu năm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam thấp như vậy. Đây là điều rất đáng báo động.
Một trong những biện pháp và cũng là nhiệm vụ mà Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương, các đơn vị xúc tiến thương mại đó là hỗ trợ giúp doanh nghiệp có thể làm tốt nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thị trường nội địa”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh và đề nghị trong Hội nghị, ngoài các nội dung mang tính chuyên môn, thì các địa phương phải nêu rõ được những khó khăn vướng mắc, đề xuất kiến nghị của địa phương mình để giúp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, kết nối cung cầu không chỉ trong địa phương mà còn trong vùng miền Trung – Tây Nguyên cũng như toàn quốc, xuất khẩu.
“Các địa phương phải có trao đổi thẳng thắn, đi trực diện vào vấn đề; có đề xuất kiến nghị cụ thể. Đối với các đơn vị của Cục Xúc tiến thương mại phải chỉ ra được khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần gì, phải làm những gì?”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị và nói thêm “Các đơn vị xúc tiến thương mại phải xác định được vai trò quan trọng của công tác xúc tiến thương mại, trách nhiệm của người làm công tác xúc tiến thương mại. Mà trong thực tế hiện nay là phải tìm đầu ra; phải thúc đẩy được sự kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng kể cả trong nước và ngoài nước”.
Thông tin tình hình hoạt động xúc tiến thương mại khu vực miền Trung – Tây Nguyên năm 2022, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 ghi nhận nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại trên cả nước đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chủ động sáng tạo trong triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa, duy trì và tăng cường các hoạt động hoạt động xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa trong nước và xuất khẩu.
Trong năm, hệ thống cơ quan xúc tiến thương mại đã triển khai hơn 755 đề án Xúc tiến thương mại, đạt 82% kế hoạch. Tổng kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến thương mại năm 2022 của các Trung tâm xúc tiến thương mại địa phương hơn 250 tỷ đồng; kinh phí thực hiện trong năm ước tính 199 tỷ đồng, đã hỗ trợ cho hơn 15.000 lượt doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường, giá trị hợp đồng và giao dịch tại các sự kiện đạt gần 300 tỷ đồng và 20 triệu USD đơn hàng xuất khẩu.
Trong các tháng đầu năm 2023, các địa phương trên cả nước nói chung, khu vực Miền Trung – Tây Nguyên nói riêng đã hướng dẫn và tổ chức cho các các doanh nghiệp địa phương tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước và ở nước ngoài như giới thiệu doanh nghiệp địa phương tham dự các Hội chợ triển lãm chuyên ngành lớn ở thị trường EU (Hội chợ Biofach, Fruit Logistica, Hội chợ thủy sản toàn cầu), Hội chợ công nghiệp Hannover Messe...), Trung Đông (HC thực phẩm Gulfood, HC chuyên ngành da giày...), Mỹ (HC Thủy sản Boston), Nhật Bản (HC Foodex), các chương trình Hội nghị quốc tế ngành hàng, kết nối các nhà cung ứng địa phương với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các nhà mua hàng xuất khẩu...
Các hoạt động từ đầu năm đến nay thể hiện sự sôi động trở lại của hoạt động xúc tiến thương mại và góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn về thị trường trong các tháng qua.
Về định hướng công tác xúc tiến thương mại trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại đề nghị các đơn vị xúc tiến thương mại cần tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phê duyệt; Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với thị trường Trung Quốc, gắn với xây dựng thương hiệu để xuất khẩu bền vững; tiếp tục chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mai; thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy nhập khẩu thiết bị máy móc hiện đại, công nghệ nguồn…phục vụ tạo những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu.
Tại Hội nghị, các địa phương miền Trung – Tây Nguyên sẽ được nghe giới thiệu về các hoạt động xúc tiến thương mại tại nước ngoài; các Hội chợ/sự kiện xúc tiến thương mại lớn trong nước; Giới thiệu về các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công thương; Giới thiệu và hướng dẫn hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain.
Đồng thời, Hội nghị cũng là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận các giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đề xuất sáng kiến, cơ chế phối hợp trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại cấp vùng, quốc gia.