Thứ trưởng Hà Kim Ngọc nêu bật tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa trước đại biểu 150 quốc gia

Phát biểu trước đại biểu của hơn 150 quốc gia có mặt tại Ấn Độ, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh những tư tưởng lớn và sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội…

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản thế giới. (Ảnh: Mofa)

Thứ trưởng Hà Kim Ngọc phát biểu tại Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản thế giới. (Ảnh: Mofa)

Sáng 22/7, tại Trung tâm Hội nghị Bharat Mandapam ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ đã diễn ra Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp 46 Ủy ban Di sản thế giới, với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu từ 150 quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp. Đây là kỳ họp đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027.

Phát biểu đầu tiên tại phiên khai mạc toàn thể, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc hoan nghênh những nỗ lực của Trung tâm Di sản thế giới để thúc đẩy các mục tiêu của Công ước, đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các quốc gia trong nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc xúc động chia sẻ, trong thời điểm người dân Việt Nam đang tưởng nhớ và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại kỳ họp quan trọng này, Việt Nam muốn nhấn mạnh những tư tưởng lớn và sâu sắc của Tổng Bí thư về vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Với tinh thần đó, Việt Nam luôn chú trọng triển khai hiệu quả Công ước Di sản thế giới, đề cao công tác bảo tồn và phát huy giá trị 8 di sản thế giới tại Việt Nam, hợp tác hiệu quả với Trung tâm Di sản thế giới và các cơ quan tư vấn, lồng ghép nội dung của Công ước vào hệ thống luật pháp và chính sách gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, gần đây nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đến năm 2045, và Luật Di sản văn hóa sửa đổi trình Quốc hội xem xét thông qua.

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam đề xuất UNESCO và các nước thành viên cần tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai hiệu quả Công ước, ưu tiên chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển, các nước châu Phi, nhóm đảo nhỏ đang phát triển, thúc đẩy tham gia và đóng góp của cộng đồng, phụ nữ và thanh niên.

Trong nỗ lực đó, Việt Nam cam kết đóng góp cho Quỹ Di sản thế giới, đồng hành cùng các thành viên phát huy giá trị di sản với vai trò động lực thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững và cầu nối với tương lai.

Thay mặt cho hơn 2.000 đại biểu từ hơn 150 quốc gia tham dự kỳ họp, Chủ tịch Ủy ban Di sản thế giới Vishal V. Sharma đánh giá cao thông điệp có ý nghĩa của Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và gửi lời chia buồn sâu sắc tới lãnh đạo, nhân dân Việt Nam và gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước mất mát lớn lao này.

Đoàn Việt Nam có cuộc làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới. (Ảnh: Mofa)

Đoàn Việt Nam có cuộc làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới. (Ảnh: Mofa)

Trước đó, sáng ngày 21/7, đoàn Việt Nam có cuộc làm việc với Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo.

Ông Assomo cảm ơn đóng góp của Việt Nam và nhấn mạnh Việt Nam là hình mẫu về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Ông mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.

Ông Assomo khẳng định Trung tâm Di sản thế giới luôn đồng hành và hỗ trợ hết sức Việt Nam trong công tác bảo tồn, phát huy các di sản thế giới, đồng thời cam kết sẽ xem xét, hỗ trợ trong phạm vi chức năng của mình đối với các hồ sơ đề cử di sản thế giới của Việt Nam trong thời gian tới.

Tối 21/7, đoàn Việt Nam tham dự lễ khai mạc kỳ họp với sự tham dự của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của Tổ chức UNESCO, với sự tham dự của 21 thành viên, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; xem xét, đánh giá tình trạng bảo tồn của các di sản thế giới trên toàn cầu; quyết định chính sách, ngân sách chủ trương, định hướng phát triển của Công ước Di sản Thế giới.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thu-truong-ha-kim-ngoc-neu-bat-tu-tuong-lon-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-van-hoa-truoc-dai-bieu-150-quoc-gia-post1657367.tpo