Thứ trưởng Lê Đình Thọ: Sửa Luật GTĐB đảm bảo ổn định trong 10 năm
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc sửa Luật GTĐB lần này được xác định đảm bảo ổn định ít nhất trong 10 năm.
Dự thảo Luật chú trọng ứng dụng công nghệ vào quản lý
Chia sẻ tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức vào sáng nay (2/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, việc xây dựng hành lang pháp lý đi vào cuộc sống, tạo động lực phát triển đất nước là vấn đề quan trọng.
Theo Thứ trưởng, Ngành GTVT có 5 luật tương ứng với 5 lĩnh vực, trong đó, Luật GTĐB năm 2008 đã thực hiện được 10 năm. Khi xây dựng Luật GTĐB năm 2008 cũng đã được xây dựng chất lượng, có tầm nhìn, được thực hiện ổn định trong 10 năm, đã tạo hành lang pháp lý cho ngành đường bộ phát triển.
Đặc biệt, Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật cũng đã dự báo, đề cập chi tiết, các quy tắc giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống biển báo đã tiệm cận với các nước phát triển. Thêm nữa, quy định về con người, phương tiện cũng không thua kém các nước, hành lang pháp lý quản lý không có nhiều bất cập nếu so với nhiều nước. Đơn cử như Thái Lan đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam đối với quy định lắp thiết bị GSHT.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc sửa Luật GTĐB lần này, Bộ GTVT xác định tạo lập hành lang pháp lý ổn định ít nhất trong 10 năm. Trong đó, có tầm nhìn, dự báo những yếu tố mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý.
Với mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, trước hết là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông được ưu tiên đi trước 1 bước, vì vậy, xây dựng Luật GTĐB phải tạo được hành lang pháp lý, có cơ chế chính sách chủ trương đầu tư hạ tầng ổn định.
"Đến nay thủ tục trình Luật GTĐB sửa đổi đã trình Quốc hội khóa 9 thông qua chủ trương, đến tháng 10 sẽ trình Quốc hội thảo luận, đến kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua Luật. Hiện dự thảo Luật đang được đăng tải xin ý kiến của nhân dân và các thành phần kinh tế, nhiều ý kiến đóng góp Luật càng hiệu quả, có hành lang cho sự phát triển ổn định", Thứ trưởng Thọ nói.
Dự thảo Luật nhiều điểm mới
Bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ GTVT) cho biết, dự thảo lần này bổ sung thêm nhiều nội dung. Đáng chú ý, dự thảo Luật bổ sung các quy tắc bảo vệ người già, người khuyết tật, trẻ em, quy tắc nhường đường cho người đi bộ, quy tắc nhường đường cho xe buýt, xe đưa đón học sinh, quy định phải sử dụng ghế chuyên dụng dành cho trẻ em dưới 13 tuổi...
“Bên cạnh đó, các nguyên tắc về tốc độ và khoảng cách khi điều khiển phương tiện trên đường cũng được nội luật hóa, quy định về khoảng cách đảm bảo ATGT theo thông lệ quốc tế. Dự thảo cũng bổ sung nguyên tắc cho người điều khiển giao thông phải đứng ở vị trí thuận tiện cho người tham gia giao thông quan sát và nhìn thấy rõ cả ban ngày và ban đêm”, bà Nga cho biết.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến bàn về hành lang pháp lý huy động tối đa nguồn lực nhằm tạo đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển phương tiện giao thông; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông in trong tổ chức, quản lý kết cấu hạ tầng, phương tiện, người lái và giám sát xử lý vi phạm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN đề xuất cần có quy định về quản lý giao thông thông minh, nhất là đối với xe tự lái. Với phát triển của khoa học công nghệ, việc sử dụng xe tự lái hoặc bán tự lái ở Việt Nam sẽ phát sinh. Hiện Chính phủ cũng đang khuyến khích xây dựng các thành phố thông minh.
“Trong tương lai không xa sẽ có nhiều loại phương tiện này, giúp giảm nhẹ công việc cho người lái xe. Vì vậy, cần bổ sung quy định này để mở đường cho thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong giao thông”, ông Quyền nói.
Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển GTĐB, phát triển kinh tế
Còn theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Luật GTĐB qua hơn 10 năm triển khai là cơ sở pháp lý quan trọng giúp hạn chế tai nạn giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.
Theo ông Lộc, trước phát triển của kinh tế, giao thông đường bộ đang là nút thắt cả về phần cứng và phần mềm, phí vận tải xếp vào nhóm cao trong khu vực, số người chết TNGT cao. Nguyên nhân thiếu đồng bộ chưa bắt kịp thực tiễn quy định pháp luật GTĐB, nhất là phát triển công nghệ khiến cơ quan quản lý nhà nước lúng túng.
"Luật GTĐB mới cần tạo hành lang pháp lý điều chỉnh vận tải, thúc đẩy phát triển GTĐB và kinh tế đất nước, hội nhập GTĐB trong khu vực. Trong đó, nhiều vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quan tâm như việc phân loại các loại hình, điều kiện kinh doanh vận tải, cấp phép điều hành giao thông thông minh, quản lý điều hành cao tốc. Luật GTĐB mới phải mở đường cho hướng phát triển đó", ông Lộc nói.