Thứ trưởng Lê Minh Ngân: Hạ nhiệt thị trường BĐS không nên chỉ nhìn vào giá đất

Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất.

Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Minh Ngân. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Minh Ngân. (Ảnh: Báo Chính phủ).

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong những tháng đầu năm 2024, nguồn cung của thị trường bất động sản mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn khá hạn chế. Cơ cấu sản phẩm nhà ở phần lớn tập trung về phân khúc nhà ở trung - cao cấp, trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết trong quý III/2024, giá bất động sản tại một số địa phương vẫn có xu hướng tăng, đặc biệt tại Hà Nội, TP HCM và các đô thị lớn... Nguồn cung bất động sản, nhà ở để đáp ứng nhu cầu đại bộ phận người dân, các đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình tại các khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM còn thiếu.

Tại một số địa phương, khu vực có hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất với kết quả trúng đấu giá cao gấp nhiều lần giá khởi điểm, rồi có thể bỏ cọc sau khi trúng đấu giá đất nhằm mục đích thiết lập mặt bằng giá ảo tại khu vực để kiếm lời...

Bộ trưởng Xây dựng cũng thông tin, giá bán bất động sản tăng một phần do biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai gần đây, cũng như tác động khi áp dụng phương pháp tính và bảng giá đất mới.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Đức Tâm cho rằng, nếu tháo gỡ thị trường bất động sản thì có thể tạo động lực tăng trưởng cho khoảng 60 ngành, nghề liên quan. Hai nội dung địa phương cần triển khai sớm là phê duyệt quy hoạch, chương trình phát triển nhà ở để triển khai các dự án nhà ở trên địa bàn; chuẩn bị thực hiện nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án.

Còn theo Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Minh Ngân, để hạ nhiệt thị trường bất động sản cần có giải pháp tổng thể để tăng cả cung và cầu về thủ tục hành chính xây dựng, tín dụng ưu đãi, giá nguyên vật liệu… chứ không chỉ có chính sách về giá đất.

Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng, ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản phải gặp nhau theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" để khơi thông thị trường bất động sản.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng đề xuất Ban Chỉ đạo thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện pháp luật liên quan đến chính sách nhà ở, thị trường bất động sản, nhà ở xã hội, hỗ trợ nhà ở mục tiêu tại một số địa phương trọng điểm, như Hà Nội, TP HCM, Bắc Ninh…

"Trong đó cần đánh giá thực chất tình hình thị trường bất động sản tại các địa phương, nơi nào thiếu nhưng không làm, nơi nào thừa mà không bán được, cũng như trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong dự báo cung cầu, điều tiết cơ cấu các phân khúc sản phẩm bất động sản", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng được giao rà soát hồ sơ, thủ tục hành chính của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đồng thời các thủ tục trong một bộ hồ sơ duy nhất để giảm thời gian, chi phí.

Theo Phó Thủ tướng, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến cung cầu thị trường bất động sản là vướng mắc từ các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, bản án. Vì vậy, các địa phương phải khẩn trương rà soát toàn bộ, phân loại và đề xuất nhóm giải pháp xử lý thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của Trung ương, của địa phương.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thống kê, báo cáo tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, đánh giá tác động đối với nền kinh tế, đề xuất những quyết sách, biện pháp mới, đủ mạnh, mấu chốt để khơi thông thị trường địa ốc.

Nguyễn Lê

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/thu-truong-le-minh-ngan-ha-nhiet-thi-truong-bds-khong-nen-chi-nhin-vao-gia-dat.html