Thứ trưởng Lê Quân chỉ ra 3 chìa khóa thành công của trường nghề

Hiệu trưởng không tăng được lương cho cán bộ, giáo viên thì phải nghỉ việc - Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo Đổi mới cơ chế chính sách tài chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Đây là hoạt động bên lề Diễn đàn quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam chính thức diễn ra sáng 15/11 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân.

Trao đổi với các đại biểu về bài toán tài chính cho GDNN, Thứ trưởng Lê Quân thông tin về việc 35 trường cao đẳng (CĐ) tốt nhất Việt Nam có tổng thu bình quân 60 tỷ đồng/năm; các trường CĐ khác 12 - 25 tỷ đồng/năm. Trong khi tổng thu của một trường đại học (ĐH) bình thường từ 150 - 200 tỷ đồng/năm, trường Bách khoa Hà Nội 1.000 tỷ đồng, ĐH Kinh tế Quốc dân 800 tỷ đồng. Từ đây, Thứ trưởng Lê Quân cho biết, tổng thu của cơ sở GDNN rất thấp.

Tuy nhiên, trong tổng thu 60 tỷ đồng thì có tới 58% đến từ Nhà nước cấp chi phí thường xuyên, 18% từ thu học phí. Và trong số 35 trường CĐ tốt, chỉ có khoảng 10 - 20% nguồn thu đến từ ODA và các chương trình mục tiêu.

Thứ trưởng Lê Quân cũng cho biết, thu nhập bình quân của giảng viên trường CĐ từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. 3 trường CĐ thực hiện tự chủ hoàn toàn có thu nhập cao hơn. Trong khi, 5 trường ĐH thực hiện thí điểm đầu tiên, thu nhập của giảng viên tăng bình quân gấp 2 lần.

Các DN ký kết hợp tác đào tạo nghề bên lề hội thảo chiều 15/11. Ảnh: Thủy Trúc

Các DN ký kết hợp tác đào tạo nghề bên lề hội thảo chiều 15/11. Ảnh: Thủy Trúc

“Từ khi Chính phủ cho trường ĐH tự chủ gắn với tăng học phí thì thu nhập cao hơn. Đặc biệt, đội ngũ GS, PGS, TS có thu nhập từ 1.000 - 1.200 - 1.400 đô/1 tháng là chuyện bình thường. Cho thấy, thu nhập của giảng viên các trường top của GDNN rất thấp” - Thứ trưởng Lê Quân nhận định.

Đồng thời cho rằng, nếu Nhà nước buông theo kiểu cắt chi cho các trường nghề dẫn đến tình trạng khó khăn về nguồn lực. Do đó, điều quan trọng là đổi mới cơ chế tài chính. Một mặt là quan tâm và đầu tư tăng hơn cho GDNN; nhưng cách đầu tư hiệu quả, không dàn trải, gắn với đầu ra và giải quyết các việc làm xã hội là vô cùng quan trọng.

Hiện nay, mức học phí của các trường GDNN từ 620.000 - 950.000 đồng/tháng. Nếu không kể khấu hao cơ sở vật chất, trang thiết bị thì mất từ 15 - 25 triệu đồng để đào tạo một sinh viên có chất lượng. Vì thế, Thứ trưởng Lê Quân cho rằng các trường nghề cần phải đổi mới theo hướng tự chủ để năng động, tích cực và chủ động hợp tác với DN mới mang đến nguồn thu.

Nhiều cơ sở GDNN trưng bày và giới thiệu các thiết bị đào tạo nghề thời kỳ cách mạng 4.0. Ảnh Thủy Trúc

Nhiều cơ sở GDNN trưng bày và giới thiệu các thiết bị đào tạo nghề thời kỳ cách mạng 4.0. Ảnh Thủy Trúc

Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh đến vai trò hiệu trưởng cơ sở GDNN. Phải làm sao hiệu trưởng không tăng được lương cho cán bộ giáo viên được thì nghỉ việc.Chứ không phải hiệu trưởng chỉ ngồi đó, khi cán bộ kêu thì lại nói đi chỗ khác. Làm sao việc sử dụng người phải linh hoạt. Không phải bao nhiêu người/mét vuông, dạy bao nhiêu tín chỉ mà quan trọng là sinh viên ra trường có việc làm tốt không.

Cũng cần phải đổi mới cơ chế tài chính, làm sao có “khoán 10” để các trường nghề có động lực, năng động trong tìm các nguồn lực. “Nhìn lại 3 chìa khóa thành công của giai đoạn vừa rồi, tôi thấy thứ nhất là hiệu trường tốt; thứ hai, nhà nước đầu tư tốt; thứ ba là vị trí địa lý vì dạy nghề gắn với thị trường” - Thứ trưởng Lê Quân nói.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thu-truong-le-quan-chi-ra-3-chia-khoa-thanh-cong-cua-truong-nghe-357714.html