Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp thực tiễn

Sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ.

Ngày 28/2, phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - năm 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau thời gian gần 10 năm thi hành, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trong đó có các quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học-Đào tạo, Trường Đại học Thành Đông, việc định giá áp dụng giá đất cho các mục đích cụ thể vẫn còn nhiều bất cập. Giá đất do Nhà nước quy định vẫn chưa phù hợp với giá chuyển nhượng khiếu nại trong lĩnh vực đất đai và tạo kẽ hở cho tham nhũng, đầu cơ đất đai. thực tế trên thị trường là nguyên nhân chính gây thất thoát ngân sách nhà nước, biệt là giá đất, góp phần bình ổn thị trường đất đai, bất động sản, khai thác tốt Để đáp ứng yêu cầu tăng cường năng lực quản lý nhà nước về đất đai, đặc nguồn thu từ đất, sử dụng đất đai tiết kiệm hiệu quả cần phải nghiên cứu các giải pháp nhằm định giá đất sao cho " sát - tiệm cận" với giá trị thị trường hoặc phù hợp với giá trị thị trường.

Hội nghị cũng đã tham gia góp ý tập trung vào những vấn đề như các khoản thu tài chính từ đất đai, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, bảng giá đất, việc xác định giá đất tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, đấu giá quyền sử dụng đất...

PGS.TS. Lê Xuân Trường, Trưởng khoa, Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, giải quyết đúng đắn vấn đề tài chính đất đai và giá đất là vấn đề cốt lõi để phát huy nguồn lực tài chính đất đai để phát triển đất nước, không để lãng phí nguồn lực đất đai do đất để hoang không được sử dụng hoặc sử dụng vào mục đích không phải có lợi nhất cho phát triển kinh tế đất nước. Mặt khác, tạo động lực giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy đầu tư vào đất đai, đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế - xã hội đất nước và thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.

Các địa biểu tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Các địa biểu tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Theo PGS.TS. Lê Xuân Trường, để đảm bảo quản lý thống nhất về đất đai và tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo sự thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc xác định giá đất, các phương pháp và thủ tục xác định giá đất của các địa phương thì việc thay đổi thẩm quyền của Chính phủ từ việc quy định khung giá đất sang việc "Quy định phương pháp định giá đất; quy trình xây dựng bảng giá đất, định giá đất cụ thể; xây dựng cơ sở dữ liệu giá đất; kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện" là phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 236 điều; trong đó có 1 chương (18 điều, từ Điều 147 - Điều 164) quy định về vấn đề "Tài chính về đất đai, giá đất", quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất như các khoản thu từ đất đai; điều tiết nguồn thu từ đất; căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; nguyên tắc, phương pháp định giá đất; bảng giá đất; giá đất cụ thể…

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn có các quy định không phải về tài chính về đất đai nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này như phân loại đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận (cấp giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng,…

Đặc biệt, dự thảo Luật đề cập đến nhiều khái niệm mới như "Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất", "Đất sử dụng đa mục đích", giá đất theo "vùng giá trị", "thửa đất chuẩn", "quyền sử dụng không gian ngầm và khoảng không"... liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính./.

Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/thu-truong-nguyen-duc-chi-quy-dinh-ve-tai-chinh-dat-dai-chua-theo-kip-thuc-tien/282484.html