Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm: Cần cuộc cách mạng trong bảo trì đường bộ
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ công tác bảo trì đường bộ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp hơn.
Công trình 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình 100 tỷ là không được
Hôm nay (15/7), Cục Đường bộ VN tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhìn nhận, trong 6 tháng đầu năm, Cục Đường bộ VN có nhiều đổi mới hoạt động, hoàn thành tốt các nhiệu vụ, chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm, nổi bật nhất là đã xây dựng thành công luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua.
Nhấn mạnh Luật Đường bộ sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý ngành, Thứ trưởng Lâm nói: Muốn đổi mới lĩnh vực đường bộ, ngoài quyết tâm, nghị lực cần có hành lang pháp lý tốt.
Nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là phải làm nhanh là xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Trong đó, Cục Đường bộ VN cần định hình, cụ thể hóa được cách thức, ý tưởng quản lý mới để đưa vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Đặc biệt chú ý đến đổi mới trong quản lý bảo trì đường bộ, Thứ trưởng nhìn nhận, lĩnh vực quản lý vận tải, phương tiện người lái đã có đổi mới mạnh mẽ bằng việc phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương và chỉ thực hiện công tác kiểm tra giám sát. Đối với bảo trì đường bộ, tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng chưa được như kỳ vọng, cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, phải có cuộc cái cách mạng trong lĩnh vực này.
Thời gian tới, Thứ trưởng yêu cầu Cục Đường bộ VN cần tập trung bàn các giải pháp để đổi mới công tác này. Muốn làm được cần có nguồn lực vật chất và nguồn lực con người, Cục đường bộ đang có lợi thế các yếu tố này và là điều kiện quan trọng để thực hiện nhiệm vụ.
"Cục Đường bộ VN cần sớm bắt đầu xây dựng hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện. Muốn đổi mới, hiện đại hóa cần có công cụ để phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Hệ thống phần mềm, công nghệ thông tin phải đồng bộ, đầu tư tập trung có vai trò quan trọng", Thứ trưởng nói và nhấn mạnh: Cục Đường bộ VN cần rà soát lại hành lang pháp lý, tháo gỡ vướng mắc để có kinh phí triển khai đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tránh tình trạng đầu tư công nghệ manh mún, nhỏ lẻ như trong thời gian qua.
Nói thêm về cách thức triển khai, Thứ trưởng khẳng định, làm sao phải xây dựng được nghị định có chất lượng, trong đó quan trọng nhất là phải hình dung ra được ý tưởng quản lý bảo trì đường bộ thế nào, đi kèm đó là hành lang pháp lý thế nào để có cơ sở thực hiện.
"Mỗi năm có 1.500 -1.600 đầu mục bảo trì đường bộ là quá nhiều. Công trình 1 tỷ đồng nhưng cũng phải làm thủ tục như công trình 100 tỷ là không được. Như vậy sẽ mất nhiều thời gian, lấy đâu thời gian để nghĩ cơ chế, chính sách, chiến lược quản lý. Việc này cần thay đổi, cần thu gọn lại, giảm bớt đầu mục dự án, lập gói thầu lớn để thu hút doanh nghiệp có năng lực tham gia", Thứ trưởng nói.
Về bảo dưỡng thường xuyên, Thứ trưởng yêu cầu cần nghiên cứu đánh giá lại hợp đồng theo chất lượng thực hiện (PBC). Cùng đó, nghiên cứu hoàn thiện văn bản pháp luật theo hướng hợp đồng có thể ký 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Sau 5 năm nếu nhà thầu làm tốt có thể tiếp tục gia hạn, không phải đấu thầu, chọn lại nhà thầu.
"Thay đổi thói quen, suy nghĩ, cách làm cũ là việc khó nhưng cần phải làm. Vì vậy, Cục Đường bộ VN cần thay đổi quan điểm, nâng cao chất lượng công tác tham mưu lĩnh vực chuyên ngành cho Bộ theo hướng không bảo thủ, sợ trách nhiệm để quản lý kết cầu hạ tầng đường bộ theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp", Thứ trưởng nói.
Luật Đường bộ mới có nhiều nội dung đột phá
Ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho biết, xác định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, 6 tháng đầu năm đã trình Bộ GTVT 3 nghị định, 1 quy chuẩn kỹ thuật và 7 thông tư.
Đặc biệt, Luật Đường bộ đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6/2024 với nhiều nội dung đổi mới mang tính đột phá, tháo gỡ được nhiều khó khăn vướng mắc.
Các nhiệm vụ trong cải cách hành chính, cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử và chuyển đổi số cơ bản hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng. Kết quả, đã có hơn 96% GPLX được chuẩn hóa với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hoàn thành tích hợp trên 12 triệu hồ sơ GPLX lên tài khoản định danh điện tử VneID. Cũng trong 6 tháng, cả nước đã cấp trên 238.000 GPLX theo hình thức trực tuyến, trung bình 1.300 hồ sơ/ngày.
Liên quan đến bảo trì đường bộ, ông Thái cho biết, Cục đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ bằng thực hiện ngay việc không làm chủ đầu tư các dự án sửa chữa định kỳ đường bộ để tập trung công tác quản lý nhà nước và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của người quyết định đầu tư, tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ thể trong quản lý thực hiện dự án.
Cùng đó, điều chỉnh nhiệm vụ tham mưu thẩm định phê duyệt dự án; quản lý chất lượng và công tác đấu thâùu, giữa các cơ quan tham mưu, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ thống nhất, tập trung, rõ ràng trách nhiệm.
Năm 2024, Cục Đường bộ được giao 11.500 tỷ đồng. Cục đã quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban QLDA đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ bảo trì được giao dự toán. Tính đến hết tháng 6/2024, các đơn vị đã giải ngân trên 3.200 tỷ đồng, đạt 28%. Tiến độ thực hiện còn chậm so với yêu cầu.
Nguyên nhân chủ quan là do chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục, nhất là công tác lựa chọn nhà thầu; xây dựng kế hoạch nhiều danh mục dẫn đến khối lượng công việc phải thực hiện nhiều lớn; còn thụ động, chưa tích cực tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.
"Trong 6 tháng cuối năm, Cục Đường bộ VN sẽ nỗ lực, tập trung đổi mới công tác quản lý, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. Về dài hạn, phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đổi mới công tác quản lý nhà nước", ông Thái cho hay.