Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thăm, làm việc tại Trường Hữu Nghị T78
Sáng 23/1, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng và đoàn công tác của Bộ GD&ĐT thăm, làm việc tại Trường Hữu Nghị T78.
Tại đây, Thứ trưởng và các thành viên đoàn công tác đi thăm lớp học, khu giảng đường, khu nhà hiệu bộ, nhà đa năng, nhà ăn, khu ký túc xá dành cho học sinh, lưu học sinh nội trú.
Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục
Trường Hữu Nghị T78 (tiền thân là Khu học xá Miền núi Trung ương - T399 được Bác Hồ và Ban Bí thư thành lập ngày 1/1/1958 tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là trường đầu tiên trong hệ thống các trường đào tạo lưu học sinh Lào được thành lập ở Việt Nam. Sau nhiều lần di chuyển, thay đổi địa điểm, năm 1980 trường đóng trên địa bàn huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội.
Hiện nay, nhà trường là cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Bộ GD&ĐT, thực hiện nhiệm vụ chính trị về công tác đối ngoại, công tác dân tộc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Nhiệm vụ chính của nhà trường là thực hiện chương trình giáo dục THPT và dự bị tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và chương trình giáo dục THPT cho học sinh dân tộc nội trú, học sinh dân tộc Kinh. Qua đó, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về đối ngoại, vun đắp cho mối quan hệ hợp tác hữu nghị quốc tế (đặc biệt là quan hệ Việt Nam - Lào), xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Theo cô Nguyễn Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng, quy mô đào tạo của trường hiện nay là 1.550 học sinh, lưu học sinh. Trong đó trên 90% là học sinh, lưu học sinh nội trú. Tuyển sinh hàng năm với quy mô 640, trong đó có: 350 học sinh dân tộc thiểu số, 90 học sinh người Kinh (thí điểm) và 200 lưu học sinh Lào.
Năm học 2023-2024, nhà trường có tổng số 1.345 học sinh Việt Nam (trong đó, hệ dân tộc nội trú: 1.037, hệ dân tộc Kinh: 269); 216 lưu học sinh Lào.
Về nhân sự, nhà trường có 160 viên chức và người lao động; trong đó 112 viên chức giảng dạy (1 tiến sĩ, 45 thạc sĩ, 94 cử nhân; 54 giáo viên THPT hạng II, 61 giáo viên THPT hạng III). Đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động đạt chuẩn và trên chuẩn về trình chuyên môn, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ, số lượng giáo viên đạt trên chuẩn chiếm 46,9%.
Chất lượng giảng dạy của nhà trường không ngừng nâng lên trong những năm qua. Học sinh xếp loại học lực khá, giỏi hàng năm đạt 70-80%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trung bình đạt 99,18%. Học sinh trúng tuyển đại học đạt trên 80% so với số học sinh tham gia xét tuyển. Năm học nào Trường cũng có học sinh đạt giải thi học sinh giỏi cấp thành phố. Giáo viên nhà trường cũng đạt giải cao trong các cuộc thi do Bộ GD&ĐT, TP. Hà Nội tổ chức…
Nhà trường luôn coi trọng việc nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào, tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp hiệu quả. Trong đó có việc biên soạn Bộ Giáo trình tiếng Việt 6 bậc theo Khung năng lực tiếng Việt dành cho người nước ngoài của Bộ GD&ĐT; chú trọng các hoạt động ngoại khóa hỗ trợ tập, các hoạt động tham quan trải nghiệm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử... nhằm tạo môi trường, điều kiện cho lưu học sinh giao lưu học tập và thực hành các kỹ năng tiếng Việt…
Tại buổi làm việc, cô Nguyễn Thị Hải Yến cũng báo cáo về thực trạng cơ sở vật chất; tình hình đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất của Trường giai đoạn 2025-2023; cũng như định hướng phát triển nhà trường giai đoạn tiếp theo.
Căn cứ tình hình thực tế, mục tiêu, quan điểm phát triển, nhà trường đề nghị Bộ GD&ĐT giao tăng dần chỉ tiêu đào tạo học sinh dân tộc nội trú, người Kinh và lưu học sinh Lào quy mô đến năm 2030 là 2.000 học sinh, lưu học sinh ở nội trú và 500 học sinh người Kinh ở ngoại trú.
Đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ sửa đổi tăng mức học bổng cho học sinh dân tộc nội trú theo Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT của Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc do mức học bổng hiện đang áp dụng quá thấp. Có cơ chế về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho lưu học sinh Lào học hệ THPT.
Quán triệt sâu sắc về sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường
Tại buổi làm việc, cán bộ, giáo viên Trường Hữu Nghị T78 đã chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về tình hình hoạt động của nhà trường với cả thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất. Đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ GD&ĐT trao đổi lại, lưu ý về nhiều vấn đề: chuyên môn, tổ chức dạy học, cơ sở vật chất…, gợi mở định hướng cho nhà trường trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Hữu Nghị T78, trong nhiều năm qua đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị quan trọng, vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề.
Một số kết quả được Thứ trưởng nhấn mạnh như: Làm tốt công tác giáo dục, đào tạo cho học sinh Việt Nam (phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số) và lưu học sinh Lào; tỷ lệ học sinh khá giỏi, học sinh đỗ tốt nghiệp THPT cao; đội ngũ được chăm lo, đạt chuẩn và trên chuẩn; học sinh, giáo viên đoạt giải trong các cuộc thi; chú trọng, làm tốt giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm… cho học sinh nói chung, lưu học sinh nói riêng; giữ mối quan hệ tốt với nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương…
“Hoạt động của nhà trường trong những năm qua đã góp phần hết sức quan trọng, củng cố, giữ gìn, phát huy truyền thống đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào”, Thứ trưởng khẳng định và cho biết cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu phát triển nhà trường giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đó, Thứ trưởng lưu ý thêm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường tiếp tục quán triệt tổ chức, triển khai đầy đủ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, quán triệt sâu sắc hơn nữa đến toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên về sứ mệnh, chức năng, nhiệm vụ của nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ. Chỉ khi nhận thức đúng mới hành động đúng.
Trường Hữu Nghị T78 cũng cần tiếp tục quan tâm xây dựng các tổ chức trong nhà trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả với cách làm dân chủ, xây dựng đề án khoa học, tạo đồng thuận cao. Tiếp tục chăm lo, xây dựng đội ngũ lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo phòng ban, chăm lo đội ngũ giáo viên; từ công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sắp xếp đội ngũ kế cận, tạo điều kiện để thầy cô giao lưu với các trường khác, đặc biệt là các trường cùng mô hình…
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo Chương trình GDPT 2018, đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho lưu học sinh, nâng cao chất lượng dạy học. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm công tác học sinh, sinh viên. Trong đó lưu ý đặc điểm tâm lý, sự đa dạng văn hóa của học sinh với phương châm thống nhất trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt, phát huy tinh thần đại đoàn kết, đoàn kết các dân tộc và đoàn kết quốc tế; giáo dục học sinh kỹ năng sống, sự tự tin, khát vọng vươn lên.
Vấn đề tiếp theo được Thứ trưởng lưu ý là nhà trường tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để sử dụng một cách hiệu quả nhất. Thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên; tuyệt đối không để xảy ra trường hợp đáng tiếc; đồng thời tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất chính sách…
Với tinh thần quan tâm đặc biệt đến Trường Hữu Nghị T78, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cục, vụ liên quan, tạo mọi thuận lợi giúp nhà trường phát triển tốt nhất trong thời gian tới.