Thứ trưởng Phan Thị Thắng đồng chủ trì Hội nghị xúc tiến xuất nhập khẩu Vùng Đông Nam Bộ

Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu của Vùng Đông Nam Bộ.

Sáng 13/12, Bộ Công Thương phối hợp UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu của Vùng Đông Nam Bộ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đồng chủ trì hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu của Vùng Đông Nam Bộ

Đại biểu tham dự Hội nghị xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất - nhập khẩu của Vùng Đông Nam Bộ

Gần 300 đại biểu là lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Sở, ban ngành của 6 tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ (gồm TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Tây Ninh), lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistics… tham dự hội nghị.

Với chủ đề “Tận dụng cơ hội - Vững bước tiến mới”, Hội nghị triển khai nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ giao, nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, phát biểu khai mạc hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, phát biểu khai mạc hội nghị

Sự kiện gồm 2 phần chính, bao gồm: Nhận diện các cơ hội thị trường xuất, nhập khẩu cho hàng hóa vùng Đông Nam Bộ và tọa đàm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vùng Đông Nam Bộ trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khuôn khổ hội nghị còn tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Đông Nam Bộ nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Ủy viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ - nhấn mạnh: Dưới sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ cùng nhân tố then chốt nằm ở tầm nhìn, sự quyết tâm và chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trong thời gian qua, khu vực Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.

Cụ thể là khu vực đi đầu trong hội nhập, phát triển công nghiệp, thương mại và thu hút đầu tư, với nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm bên lề hội nghị

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm bên lề hội nghị

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, để tiếp tục phát huy mạnh mẽ vị thế, tiếp tục tạo đà cho sự bứt phá phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với những tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong 11 tháng năm 2023, trong bối cảnh kinh tế có nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa của địa phương thuộc khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 200,5 tỷ USD, chiếm gần 32,4% thương mại của Việt Nam. Trong đó TP. Hồ Chí Minh duy trì tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt gần 89 tỷ USD, hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đều ghi nhận kim ngạch xuất-nhập khẩu cao trên 30 tỷ USD với lần lượt 47,7 tỷ USD và 34 tỷ USD.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho rằng, quy mô xuất khẩu lớn đã góp phần giữ vững vị thế của vùng Đông Nam Bộ trong việc dẫn dắt hoạt động xuất khẩu. Trong đó hàng hóa xuất khẩu tập trung chủ yếu ở các thị trường truyền thống, đặc biệt với các thị trường mà Việt Nam đã có các Hiệp định thương mại tự do như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…

Thứ trưởng Phan Thị Thắng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Đông Nam Bộ

Thứ trưởng Phan Thị Thắng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Đông Nam Bộ

Do đó, với vai trò là cơ quan kinh tế đa ngành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thương mại, công nghiệp, điều hành lưu thông hàng hóa và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các địa phương hỗ trợ các doanh nghiêp của tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ phát triển thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của vùng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó tận dụng các cơ hội đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương, của vùng, hỗ trợ tăng cường hợp tác với các đối tác cả trong nước và quốc tế góp phần thúc đẩy thương mại phát triển, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng.

Tại hội nghị các diễn giả đến từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài… và các chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp đã tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường kết nối các chủ thể của hệ sinh thái xuất nhập khẩu, thúc đẩy liên kết sản xuất, kết nối đối tác xuất nhập khẩu cho địa phương trong Vùng. Đồng thời chia sẻ các thông tin thị trường, xu hướng thương mại quốc tế, cơ hội xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thu-truong-phan-thi-thang-dong-chu-tri-hoi-nghi-xuc-tien-xuat-nhap-khau-vung-dong-nam-bo-291659.html