Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, với giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 1/8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, trước việc nhiều nước hạn chế xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Nga, UAE…, đây là thời cơ cho xuất khẩu gạo Việt Nam với giá trị, chất lượng cao. Đây cũng là cơ hội cho người trồng lúa, đặc biệt là người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao thu nhập.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay. Chỉ thị sẽ nêu rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ, ngành và địa phương sẽ tập trung thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân để có thể tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2023 của Việt Nam đạt 4,84 triệu tấn, với giá trị 2,58 tỷ USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự kiến năm nay, cả nước sẽ sản xuất được từ 43,2 - 43,4 triệu tấn, tăng 1,8-2% so với năm 2022. Với tình hình sản xuất lúa này sẽ đảm bảo an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu được từ 7-7,5 triệu tấn.
Hiện các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Mùa và lúa Thu Đông, chăm sóc và thu hoạch lúa Hè Thu. Lũy kế đến trung tuần tháng 7, cả nước gieo cấy được gần 6,2 triệu ha lúa, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Các địa phương cũng đã thu hoạch gần 3,7 triệu ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng với năng suất bình quân đạt 65,7 tạ/ha, tăng 0,8 tạ/ha nên sản lượng lúa thu hoạch trên 24,1 triệu tấn, tăng 0,4%.
Trong tháng 7, giá lúa Hè Thu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng do giao dịch sôi động với nhu cầu và sức mua đang tốt. Cụ thể giá lúa IR50404 lên mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 lên mức 6.800 đồng/kg, lúa Đài thơm lên mức 6.950 đồng/kg…
Trước nhu cầu cao của thị trường lúa gạo, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vừa qua, Cục Trồng trọt phối hợp với một số đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra tình hình sản xuất lúa tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đến thời điểm này có thể khẳng định sinh trưởng và phát triển của cây lúa đang rất tốt.
“Tận dụng thời cơ giá lúa gạo đang tăng cao, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích sản xuất vụ Thu Đông ở Đồng bằng sông Cửu Long từ 650.000 ha lên 700.000 ha”, ông Nguyễn Như Cường thông tin.
Để đạt được mục tiêu trên 43 triệu tấn lúa, Cục Trồng trọt đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có kế hoạch gieo cấy, cùng các giải pháp kỹ thuật, đảm bảo sản xuất hiệu quả.
Bên cạnh những thuận lợi thì Việt Nam cũng phải đối mặt với El Nino. Theo ông Nguyễn Như Cường, El Nino sẽ bắt đầu tác động mạnh từ khoảng tháng 10, đặc biệt từ vụ Đông Xuân 2023-2024 sẽ có những tác động mạnh mẽ đến sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. So với các nước trồng lúa trên thế giới thì Việt Nam sẽ ít bị ảnh hưởng bởi El Nino nhưng cũng không thể chủ quan.
Trả lời báo chí về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám gạo có ảnh hưởng đến việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, nhu cầu sử dụng cám gạo của Việt Nam không lớn và cám gạo không phải là thành phần quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Mỗi năm Việt Nam cần khoảng 4,7 triệu tấn cám gạo để làm thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên thị trường trong nước đã đáp ứng khoảng 4 triệu tấn, nhập khẩu chỉ 0,7 triệu tấn/năm và thành phần cám gạo chỉ chiếm từ 5-10%.
Theo ông Phạm Kim Đăng, cám gạo có thể thay thế bằng cám mì, bởi cám mì có giá trị dinh dưỡng cao, giá cũng phù hợp. Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu cám không đáng lo ngại với sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước./.