Thủ từ có nhất thiết phải là viên chức?

Tỉnh Hà Tĩnh mới ban hành Kết luận thanh tra về những vi phạm tại đền Chợ Củi, thuộc huyện Nghi Xuân, do từ năm 2014 đến 2023, Ban Quản lý di tích không thể hiện được vai trò quản lý, không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ như trong đề án được UBND tỉnh phê duyệt, công tác quản lý tại di tích còn nhiều bất cập. Vụ việc tại đây cũng cho thấy, không thể khoán trắng cho một cá nhân nào, nhưng nếu hành chính hóa cứng nhắc, thì việc quản lý di tích cũng đạt hiệu quả mong muốn.

Di tích đền Chợ Củi (xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT và DL) xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, vào năm 1993.

Đền Chợ Củi được dân gian truyền tụng là nơi linh thiêng, nên khách thập phương đến rất đông để vãn cảnh, cầu an. Đây là di tích văn hóa tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư.

Theo Kết luận thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, trước năm 2013, đền Chợ Củi hoạt động theo tín ngưỡng tự phát của người dân, do UBND xã Xuân Hồng và một số hộ dân xung quanh khu vực đền tự quản lý.

Tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể, gồm: nguyên Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân, nguyên Chủ tịch UBND xã Xuân Hồng, nguyên Trưởng ban quản lý di tích đền Chợ Củi. Xem xét trách nhiệm đối với Sở VH-TT và DL, Ban Quản lý di tích đền Chợ Củi.

Sai phạm thì phải xử lý. Có điều, sau khi huyện Nghi Xuân thành lập lại Ban quản lý di tích đền Chợ Củi theo mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, thì hầu như những người không phải là viên chức như ông Nguyễn Sỹ Quý-nguyên Phó Trưởng ban quản lý di tích- sẽ không còn được tham gia nữa, mặc dù có nguyện vọng.

Theo các chuyên gia văn hóa, hoạt động quản lý di sản liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, mang những đặc thù so với các loại hình di sản khác. Do đó, cần cân nhắc và tập hợp sức mạnh tổng thể để quản lý, bảo vệ di tích, thay vì hành chính hóa.

Việc điều chuyển những người không phải là viên chức, không được tham gia Ban Quản lý di tích, là tuân thủ Nghị định 120 năm 2020 về thành lập, tổ chức lại, hay là giải thể đơn vị sự nghiệp công lập. Chỉ có điều, nên quan tâm đến nguyện vọng của những người đã từng chăm lo, trông coi di tích lịch sử-văn hóa. Họ không phải là công chức-viên chức Nhà nước, nhưng có kinh nghiệm và kiến thức quản lý thực tế, được dư luận xã hội ở địa phương thừa nhận những việc làm với di tích lâu nay.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Ngọc Dũng - Hồng Dũng - Công Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thu-tu-co-nhat-thiet-phai-la-vien-chuc-206952.htm