Thu từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình ở Hòa Bình đạt gần 1.200 tỷ đồng
Trồng rừng không chỉ góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sinh thái mà còn nâng cao thu nhập cho người dân. Vì vậy, nhiều năm nay, phong trào trồng cây - gây rừng luôn được tỉnh Hòa Bình quan tâm, phát triển góp phần xây dựng nông thôn mới.

Rừng keo của hộ gia đình tại Hòa Bình. Ảnh tư liệu: Trọng Đạt/TTXVN
Chi cục trưởng Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Hòa Bình Nguyễn Hữu Tài cho biết, hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 11,3 nghìn ha rừng được khai thác, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 1,32 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh ước đạt gần 1.200 tỷ đồng.
Như vậy, sẽ có khoảng gần 10 nghìn ha đất rừng sẽ được giải phóng để tái trồng rừng trở lại. Toàn bộ diện tích rừng được khai thác đến đâu, các hộ trồng rừng đều xử lý thực bì, vệ sinh rừng đến đó, để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho công tác trồng, nhanh chóng hồi sinh lại rừng. Bên cạnh đó, những mô hình trình diễn trồng rừng gỗ lớn tại một số địa phương bằng cây giống chất lượng, cũng khiến cho người dân nhận thức được giá trị kinh tế từ rừng mang lại.
Ông Bùi Văn Hiệp, xóm Bùi Bái, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: Gia đình ông được hưởng lợi từ dự án trồng rừng gỗ lớn, được hỗ trợ phân bón, kỹ thuật, cây giống. Đến nay, cây sinh trưởng phát triển tốt, vừa bảo vệ môi trường lại giúp gia đình ông có thêm thu nhập từ những lô rừng trồng trong thời gian tới. Vì vậy, ông mong dự án này nếu được nhiều trong xóm để người dân được tham gia phát triển thì kinh tế của họ được khá hơn.
Để đảm bảo cho mùa trồng rừng mới năm 2025, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, doanh nghiệp trồng rừng và đơn vị kiểm lâm các huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình đã có kế hoạch, báo cáo kết quả chuẩn bị trồng rừng. Toàn tỉnh đã sản xuất được trên 22 triệu cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng, đạt 138% kế hoạch. Toàn bộ số cây giống phục vụ trồng cây phân tán và trồng rừng vụ xuân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được chuẩn bị đủ cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, hộ dân trong tỉnh.
Năm 2025, tỉnh Hòa Bình phấn đấu trồng trên 5,5 nghìn ha rừng tập trung, gần 10 nghìn cây phân tán, chăm sóc bảo vệ 100% diện tích rừng trồng hiện có, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng. Duy trì ổn định độ che phủ rừng trên 51,5%.
Ông Hoàng Xuân Hùng, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết: Hạt cũng đã phân công rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cho kiểm lâm địa bàn nắm rõ chủ trương của tỉnh. Đồng thời, tham mưu trực tiếp cho huyện Lạc Sơn ban hành các văn bản tổ chức hướng dẫn từ quy trình kỹ thuật, quản lý giống đến kết nối các nhà máy để nâng cao giá trị. Ngoài ra, công tác bảo vệ rừng đối với khu vực được cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cũng được chú trọng. Đặc biệt, trong công tác phòng cháy, chữa cháy và hướng dẫn tổ chức để nâng cao quy trình kỹ thuật và giá trị chất lượng của rừng từ sản phẩm đến trữ lượng.
Theo ông Nguyễn Hữu Tài, tỉnh Hòa Bình cũng đã bố trí nguồn kinh phí để mua những loại cây giống, đặc biệt là cây bản địa để cung cấp cho các tổ chức, cá nhân và UBND các xã, xóm đảm bảo đủ theo đăng ký của người dân.
Hiện nay, Hạt kiểm lâm các huyện, thành phố trong tỉnh Hòa Bình đã và đang phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về quản lý giống cây trồng lâm nghiệp. Bên cạnh đó, ngành Lâm nghiệp chủ động thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình trồng rừng mới và trồng lại sau khai thác năm 2024, đảm bảo hoàn thành theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.