Đường ven biển phía Nam khu vực TP Hồ Chí Minh sẽ kết nối nhiều tỉnh, thành

Trước tính cấp bách trong việc xây dựng tuyến đường ven biển phía Nam khu vực TP Hồ Chí Minh, ngày 13/3 vừa qua ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTCC thành phố đã gửi kết quả sơ bộ phương án tuyến đường này đến Sở Xây dựng và Liên danh tư vấn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh để các đơn vị này tiếp tục hoàn thiện…

Theo ông Trần Quang Lâm, quy hoạch tuyến đường ven biển phía Nam khu vực TP Hồ Chí Minh đã được nêu rõ trong quyết định ngày 1/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó xác định đường ven biển là một trong các định hướng phát triển hệ thống giao thông địa phương, gồm cả phần đường ven biển phía Nam đi qua địa bàn thành phố. Tại quyết định này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các dự án trên địa bàn địa phương mình để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch.

Để thực hiện quy hoạch trên, Sở GTCC đã phối hợp với Tổng Công ty tư vấn thiết kế GTVT- CTCP nghiên cứu sơ bộ phương án tuyến đường ven biển phía Nam trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu sơ bộ được gửi đến Sở Xây dựng để cơ quan này chủ trì, phối hợp với Liên danh tư vấn trên hoàn thiện phương án. Đồng thời làm việc với các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu để thống nhất các vị trí đấu nối và các vấn đề liên quan làm cơ sở để cập nhật tuyến đường ven biển này vào đồ án quy hoạch chung của các tỉnh, thành.

Huyện đảo Cần Giờ, nơi tuyến đường ven biển chạy qua.

Huyện đảo Cần Giờ, nơi tuyến đường ven biển chạy qua.

Theo tiết kế sơ bộ, tuyến đường ven biển phía Nam khu vực TP Hồ Chí Minh có chiều dài khoảng 45,5km, có điểm đầu kết nối với tuyến đường ven biển của tỉnh Tiền Giang ở huyện Gò Công Đông, điểm cuối kết nối với tuyến đường hiện trạng ở khu vực cảng Phước An, tỉnh Đồng Nai. Giai đoạn 1 sẽ dự kiến đầu tư 34,5km, giai đoạn 2 đầu tư đoạn còn lại để kết nối với tỉnh Đồng Nai. Thiết kế sơ bộ hướng tuyến cũng đưa ra phương án xây dựng đoạn tuyến nối số 3 có điểm đầu kết nối với đường ven biển của TP Hồ Chí Minh ở vị trí quy hoạch cảng Cần Giờ, điểm cuối kết nối với đường ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ở khu vực cảng Cái Mép. Đoạn tuyến nối số 2 có điểm đầu nối với đường ven biển của TP Hồ Chí Minh, điểm cuối kết nối với đường ven biển ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua cầu vượt biển Cần Giờ.

Tuyến đường ven biển khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh sẽ có 5 nút giao ở đoạn kết nối với tuyến đường ven biển của tỉnh Tiền Giang, nút giao ven sông Soài Rạp, nút giao với đường Rừng Sác, nút giao với quy hoạch cầu vượt biển sang Vũng Tàu và nút giao với quy hoạch nối sang cụm cảng Cái Mép. Trên tuyến cũng sẽ có nhiều cây cầu lớn, đặc biệt lớn vượt qua các tuyến sông với tổng chiều dài lên đến 16.410m với bề rộng cầu 31,5m.

Dự án tuyến đường này được dự kiến đầu tư thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư 2 đường song hành, mỗi bên 2 làn xe với chiều rộng 9m/bên; giai đoạn hoàn thiện, tuyến đường sẽ được mở rộng lên 50m với 8 làn xe. Khi hoàn thiện, tuyến đường này sẽ kết nối 9 tỉnh, thành ven biển, từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang.

Thuận lợi của Dự án tuyến đường ven biển khu vực phía Nam TP Hồ Chí Minh là hiện tỉnh Tiền Giang đã thống nhất phương án tuyến đường ven biển của địa phương này với chiều dài 31km, tổng mức đầu tư 5.591 tỷ đồng và hiện dự án đang đề xuất chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay. Tuyến đường ven biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với chiều dài 78km cũng đang được thi công nâng cấp, mở rông từ 6-8 làn xe, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng được dự kiến hoàn thành trong năm nay.

Bảo Sơn

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/duong-ven-bien-phia-nam-khu-vuc-tp-ho-chi-minh-se-ket-noi-nhieu-tinh-thanh--i763543/